Sau Tết, lúa gạo chững giá
Giá gạo tại thị trường châu Á tuần qua biến động trong biên độ hẹp, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL cũng gần như không thay đổi so với trước Tết. Chương trình mua gạo tạm trữ của Chính phủ đang phát huy tác dụng hỗ trợ cho giá gạo.
Chương trình mua gạo tạp trữ của Chính phủ đã làm giảm bớt những áp lực đẩy giá gạo đi xuống vào lúc vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn cao điểm
|
Hãng tin Reuters cho biết, giao dịch gạo tại châu Á trong tuần qua vẫn ảm đạm, khi mà các nhà giao dịch nông sản tại Trung Quốc và các thị trường khác mới rục rịch hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ năm mới âm lịch.
Giá gạo trắng tiêu chuẩn loại 5% tấm của Thái Lan được chào ở mức 570-575 USD/tấn (FOB), từ mức 570 USD/tấn trong tuần trước đó.
“Giá gạo Thái đã ở mức tương đối cao trong nhiều tuần, không phải do nhu cầu nâng đỡ mà do đồng Baht đang mạnh lên, buộc các nhà xuất khẩu gạo Thái phải báo giá cao hơn”, một thương nhân ở Bangkok cho biết.
Đầu tháng này, tỷ giá đồng Baht Thái so với USD đã lên mức cao nhất trong 18 tháng. Vị thương nhân nói trên cho biết thêm rằng, nhu cầu mua gạo Thái vẫn ở mức thấp vì các khách hàng Trung Quốc đã tích trữ nhiều gạo và không vội mua thêm.
Tại Việt Nam, chương trình mua gạo tạp trữ của Chính phủ đã làm giảm bớt những áp lực đẩy giá gạo đi xuống vào lúc vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn cao điểm. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua dao động trong khoảng 400-410 USD/tấn từ mức 390-410 USD/tấn trước kỳ nghỉ Tết.
Giá gạo cùng loại của Ấn Độ được chào ở mức 445-450 USD/tấn. Giá gạo cùng loại của Pakistan là 425-435 USD/tấn.
Theo giới thương nhân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ít chịu ảnh hưởng bởi chương trình tạm trữ trong đó Chính phủ cấp vốn vay không lãi suất cho các công ty mua lúa gạo để tạm trữ từ nông dân trong thời gian 3 tháng kết thúc vào ngày 20/5.
“Các nước Tây Phi đã trữ nhiều gạo trong khi khách Trung Quốc chưa trở lại thị trường. Nhu cầu mua vì thế rất im ắng vào lúc này”, một thương nhân cho biết.
Năm 2012, Trung Quốc đã vượt qua Indonesia để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong tháng 1 năm nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí này, nhập 168.000 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng - theo số liệu Hải quan. Trong năm ngoái, nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng gấp 5 lần lên 2,6 triệu tấn, đưa nước này trở thành quốc gia nhập gạo lớn thứ nhì thế giới sau Nigeria.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong 3 tuần đầu của tháng 2, khối lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 175.549 tấn, trị giá FOB 75,070 triệu USD, trị giá CIF 76,926 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 579.773 tấn, trị giá FOB 258,582 triệu USD, trị giá CIF 261,256 triệu USD.
Cũng theo số liệu của VFA, giá lúa gạo tuần qua tại khu vực ĐBSCL hầu như không thay đổi so với trước Tết âm lịch.
Trong đó, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.800 - 6.900 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.550 - 6.650 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.900 - 8.000 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.400 - 7.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.100 - 7.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
An Huy
tbktvn
|