Thứ Năm, 21/02/2013 06:28

Xây kho nông sản xuất khẩu ở nước ngoài

Một cách làm hay để tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Hai chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân và ông Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương) đã phân tích một giải pháp khả thi có thể “tăng lực” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Nhanh chân hơn đối thủ cạnh tranh

GS Võ Tòng Xuân cho biết muốn tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam có một cách là đem hàng sang một nước khác rồi xuất đi. Để làm được phải xây kho nông sản tại nước đó. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) chủ động xây kho ở quốc gia có vị trí địa lý trung tâm, thuận tiện xuất khẩu đi các nước lân cận hoặc có thể xuất ngay tại nước đó. “Như Thái Lan đã xây kho và nhà máy đánh bóng gạo tại Pháp để xuất khẩu sang Hà Lan, Đức. Các DN xuất khẩu gạo nước này thu mua trong nước xong là vận chuyển sang, khi thấy thị trường Pháp hoặc các nước châu Âu khác có nhu cầu thì lấy ra bán ngay, đáp ứng kịp thời hơn so với đối thủ. Sắp tới, Thái Lan dự kiến xây thêm kho chứa trái cây xuất khẩu, cũng ở Pháp” - GS Xuân dẫn chứng.

Đồng ý với giải pháp của GS Xuân, ông Nguyễn Đình Bích phân tích thêm: “Làm theo cách này, DN Việt Nam muốn xuất khẩu gạo sang châu Phi có thể chọn Nam Phi hoặc Algeria làm nước đặt kho. Hai quốc gia này có vị trí giao thông thuận lợi, dễ di chuyển sang các nước trong châu lục. DN chuyển gạo sang đó dự trữ, nếu thấy nước nào gặp thiên tai, thiếu lương thực thì chủ động đặt vấn đề bán và có ngay hàng để giao. Vấn đề là cần phải làm ngay, chọn đúng vị trí đặt kho là nước trung tâm của thị trường mục tiêu lớn”.

Xây kho nông sản ở nước ngoài giúp DN Việt tăng sức cạnh tranh, hiểu rõ và nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường. Trong ảnh: Kho bảo quản nông sản đang được xây ở Kiev, Ukraina. (Ảnh lấy từ trang web www.ua.all.biz)

DN xuất khẩu nói chung và ngành nông sản Việt Nam nói riêng có một nhược điểm là bị động, chờ đợi nhà nhập khẩu đặt vấn đề hoặc sang tận “nhà mình” hỏi mua mới chuẩn bị hàng. Hết hợp đồng này lại đợi nhà nhập khẩu đặt vấn đề ký hợp đồng tiếp. Nếu xây kho nông sản ở nước ngoài, DN sẽ theo dõi được thị trường nào đang cần như khi châu Phi, Mỹ bị hạn hán, nhu cầu trái cây ở châu Âu tăng hay mặt hàng tiêu, điều ở Nga đang thiếu… để đáp ứng kịp thời. “Hiện nay có tình trạng hiệp hội dự báo thị trường cho DN xuất khẩu giảm thì nó tăng, bảo tăng thì nó giảm. Vì vậy đây là cách tốt, kích DN phải tự dự báo thị trường, linh hoạt trong xuất khẩu. Thay vì mất đến ba tháng từ khi ký hợp đồng đến giao hàng, DN lại có hàng liền đi trước các nước” - ông Bích chia sẻ.

Bên cạnh đó, hàng nông sản xuất khẩu không phải từ DN Việt Nam là được bán thẳng cho nhà nhập khẩu rồi đến người tiêu dùng mà phải qua nhiều lớp trung gian, nhà nhập khẩu này bán cho nhà nhập khẩu khác rồi bán tiếp cho các công ty chế biến, công ty bán lẻ… Qua mỗi lần bán giá lại tăng lên. Nếu xây được kho ở nước ngoài, đồng thời DN chủ động sang nước nhập khẩu tìm hiểu thị trường thì giá trị xuất khẩu thực sự thu được sẽ nhiều hơn, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ mạnh hơn.

Cần Nhà nước bảo lãnh

Cách làm trên theo GS Xuân với nhiều nước không mới, thậm chí họ đã tiến hành từ lâu và hiệu quả rất lớn. Nhưng chưa thấy DN xuất khẩu nông sản Việt Nam nào làm được, không phải vì DN không có khả năng mà thiếu chủ động, không dám thử sức. Và phải chăng vì thiếu sự bảo lãnh, mở đường của Nhà nước nên DN không an tâm khi đầu tư xa quê hương?

Theo ông Nguyễn Đình Bích, nếu DN Việt chưa đủ sức vẫn có thể thuê kho ngoại quan ở nước ngoài. Dù giá thành nông sản xuất khẩu không giảm, bằng với khi bán cho nhà nhập khẩu; phải trả tiền thuê đất, chịu chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho nhưng lợi thu được rất lớn. Đó là đáp ứng nhanh nhu cầu tại chỗ và hiểu rõ thị trường đang “đóng đô”.

Còn nếu DN chịu đầu tư lớn thì nên tự sang nước ngoài xây kho và thu được nhiều lợi thế hơn như giảm được thuế xuất khẩu, giá thành sản phẩm thấp nên dễ cạnh tranh hơn, chủ động về kho lưu trữ, giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian… “Muốn làm được, các cơ quan nhà nước, cơ quan xúc tiến thương mại cùng tham tán thương mại ở nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ giúp DN Việt đầu tư, xây kho thuận lợi hơn. Ngoài ra, cần tiếng nói từ các vị lãnh đạo Chính phủ nước ta với chính quyền nước sở tại nhằm tăng mối quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho DN Việt không chỉ với mỗi việc đầu tư xây kho nông sản xuất khẩu mà còn với các mặt hàng khác nữa” - ông Bích nhận định.

Xác định đúng thị trường tránh lãng phí

Một số DN xuất khẩu ngành điều đã có kho nông sản xuất khẩu ở nước ngoài nhưng chủ yếu là DN FDI, chưa có DN Việt Nam nào làm. Các DN này mới chỉ thuê kho ngoại quan như ở cảng Hà Lan rồi xuất sang các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, cách này có cái bất lợi là thời gian bảo quản hàng nông sản không được lâu, chỉ 3-6 tháng, để lâu sẽ ảnh hưởng chất lượng, khó bán trong khi tiền thuê kho cao. Đối với cách thuê hoặc tự xây kho, DN Việt có thể làm được nhưng cần vốn lớn và xác định đúng thị trường để tránh lãng phí, sử dụng không hiệu quả.

Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam


Quang Huy

Pháp Luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Đột phá ngành nông nghiệp: Thay thế cây lúa? (20/02/2013)

>   Tam nông: Bệ đỡ của nền kinh tế (19/02/2013)

>   Hỗ trợ 100% lãi suất vay mua tạm trữ thóc, gạo (19/02/2013)

>   Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức thấp nhất thế giới (19/02/2013)

>   Doanh nghiệp “tung chiêu”, giá lúa ngả nghiêng (19/02/2013)

>   Lúa chất đống, giá bán thấp (18/02/2013)

>   Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản (17/02/2013)

>   VFA cam kết mua lúa trong tết (07/02/2013)

>   Giá ngô và lúa mỳ tiếp tục giảm, giá đậu tương tăng (06/02/2013)

>   Khẩn trương xây dựng một số chính sách phát triển nông, thủy sản (06/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật