Thứ Năm, 28/02/2013 10:34

Ranh giới một cuộc chiến tiền tệ

Giới tài chính đang rộ lên những lo lắng về "cuộc chiến tiền tệ” trên phạm vi toàn cầu sau những động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Nhật Bản khiến đồng yên liên tục lao dốc.

Theo Hãng tin Bloomberg, tỷ phú George Soros đã kiếm được 1 tỷ USD kể từ tháng 11/2012 đến nay nhờ dự đoán đồng yên Nhật sẽ lao dốc. Bắt đầu từ quý IV, đồng yên đã sụt giảm tới 17% so với đồng USD, đánh dấu thời kỳ suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1985.

Đồng yên giảm điểm do Thủ tướng Shinzo Abe gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phải tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.

Theo Kyodo, thành viên Ban hoạch định chính sách của BOJ ngày 20/2 cho biết Nhật Bản sẽ nới lỏng tiền tệ "chưa từng có” trên "quy mô rất lớn" trong năm nay trong bối cảnh BOJ đang nỗ lực đạt mục tiêu lạm phát 2%.

BOJ sẽ bơm hơn 50.000 tỷ yen cho các chương trình mua tài sản và hỗ trợ cho vay trong một năm tới, đồng thời BOJ sẽ tiếp tục đưa ra "các quyết sách đúng lúc và phù hợp.

Ngoài đồng yên, bảng Anh cũng trở thành đồng tiền "bị ghét nhất" trên thế giới khi đã suy yếu với tác động từ một loạt nhân tố: triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, cán cân thương mại ngày càng mất cân bằng. Nhiều dự đoán cho rằng thống đốc sắp tới của Anh Mark Carney sẵn sàng nới lỏng chính sách hơn nữa.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, đồng bảng hiện là đồng tiền có khối lượng bán ra nhiều thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau đồng yên. Nhiều người có thể cho rằng đồng bảng đang mất vị thế "hầm trú ẩn an toàn" và lo ngại về kịch bản đồng tiền này sụp đổ như năm 1992.

Chính vì vậy, cuộc gặp gỡ của bộ trưởng tài chính các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào ngày 15-16/2 tại Moscow được miêu tả là có nhiệm vụ để ngăn chặn một "cuộc chiến tiền tệ”.

Thời kỳ tồi tệ nhất của chiến tranh tiền tệ trong những năm 1930 được châm ngòi bởi sự kiện đồng bảng Anh rời khỏi chế độ bản vị vàng vào năm 1931, kéo theo việc đồng tiền này giảm giá so với tất cả các đồng tiền còn lại. Các nước còn lại không phản ứng bằng cách rút khỏi chế độ bản vị vàng mà áp dụng các biện pháp quản lý đối với thương mại tự do. Hàng loạt chính sách thuế quan, hạn ngạch và kiểm soát tỷ giá hối đoái được đưa ra. Kết quả là, thương mại tự do sụt giảm rõ rệt, hoạt động sản xuất toàn cầu chao đảo. 

Bộ trưởng tài chính và các ngân hàng trung ương của nhiều nước lo lắng các nước G20 đang theo đuổi chiến lược giảm giá đồng tiền của mình để đẩy mạnh xuất khẩu, hay nói một cách khác là "xuất khẩu khủng hoảng" bằng cách "đánh chìm" đồng tiền của các nước khác.

Trước đây, các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu là Brazil, lần đầu tiên buộc tội Mỹ kích động một cuộc chiến tranh tiền tệ trong năm 2010 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mua trái phiếu bằng việc in thêm tiền.

Gói nới lỏng định lượng (QE) đầu tiên đã kéo theo làn sóng các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận, khiến tỷ giá hối đoái của hàng loạt động tiền thay đổi.

Các ngân hàng trung ương tại Brazil và một số quốc gia khác phải lên kế hoạch giảm nhẹ ảnh hưởng của việc USD trượt giá. Năm 2010, kiểm soát vốn là biện pháp được rất nhiều ngân hàng trung ương sử dụng để ngăn nội tệ tăng giá.

Trong khi hàng tỷ USD trong nước hầu như không giúp gì cho cuộc đấu tranh chống khủng hoảng, thì các nước như Brazil hoặc Chile lại bị nhấn chìm bởi "trận lũ” USD từ Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên thuật ngữ "chiến tranh tiền tệ” được đưa ra bởi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega.

Khó có thể tránh được suy nghĩ cho rằng các chính sách bất thường đang được Mỹ, Anh và Nhật sử dụng để can thiệp vào tỷ giá theo kiểu "biến hàng xóm thành ăn mày". Tuy nhiên, theo The Economist, thay vì lên án, thế giới nên khen ngợi và theo gương Mỹ và Nhật Bản trong chính sách tiền tệ mới.

Hai nước này trực tiếp can thiệp vào đồng tiền của mình để đẩy mạnh xuất khẩu và đồng thời ngăn chặn nhập khẩu. Đó sẽ là một trò chơi có tổng bằng không và có thể biến thành bảo hộ và sự sụp đổ trong thương mại. Nhưng điều này không phải là những gì mà Mỹ và Nhật đang theo đuổi.Khi các ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất ngắn hạn gần bằng không, họ sẽ chuyển sang các công cụ khác như chương trình nới lỏng tiền tệ, thuyết phục dư luận rằng lạm phát sẽ tăng.

Cả hai hành động này có thể hạ thấp lãi suất thực và có tác động đến điều chỉnh lạm phát. Điều này bây giờ có thể xảy ra ở Nhật Bản.

Mục tiêu chính của chính sách này là kích thích chi tiêu trong nước và đầu tư. Một đồng tiền thấp hơn giá thực tế thường có xu hướng làm suy giảm nhập khẩu. Nhưng nếu chính sách này thành công trong việc phục hồi nhu cầu nội địa, cuối cùng sẽ dẫn đến nhập khẩu cao hơn.

Mở rộng tiền tệ tích cực trong một nền kinh tế lớn đang có nhu cầu yếu và lạm phát sẽ tốt cho phần còn lại của thế giới.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vòng đầu tiên của chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ đã thúc đẩy sản lượng của các đối tác thương mại lên 0,3%. Đồng USD suy yếu nhưng đã trở thành một động lực để Nhật Bản tăng cường các biện pháp giải quyết giảm phát, tạo niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu.

Chính vì vậy, phiên họp bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Moscow không đưa ra chỉ trích về việc Nhật giữ đồng yến giá trị thấp. Thông cáo chung của G20, nếu theo tinh thần của bản thảo, có nghĩa là nhóm G20 sẽ có quan điểm tương tự như nhóm G7 về chủ trương của Nhật.

Mặc dù vậy, theo Ngân hàng Morgan Stanley, Ngân hàng Trung ương châu Âu và FED sẽ tiếp tục thực hiện các gói nới lỏng định lượng bởi họ lo lắng về xu hướng tăng giá của đồng euro và trần nợ. Còn đối với các nền kinh tế Mỹ Latin và châu Á, các nước này sẽ thắt chặt kiểm soát vốn bằng các biện pháp như đánh thuế giao dịch.

Hàn Quốc và Đài Loan sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối và đưa ra các chính sách kiểm soát vốn khắt khe. Các nền kinh tế mới nổi khác như Colombia, Mexico, Peru và Chi lê cũng đã phát tín hiệu phản kháng.

Mặc dù nguy cơ chiến tranh tiền tệ không phải là quá lớn, sự quyết liệt của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của các nước mới nổi đang cố gắng đảm bảo rằng họ là bên thắng cuộc.

Lam Hồng

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Mỹ có bộ trưởng tài chính mới (28/02/2013)

>   'Trung Quốc nên cẩn trọng với quả bom nợ' (28/02/2013)

>   Ngân hàng JPMorgan sẽ cắt giảm 19.000 việc làm (27/02/2013)

>   EU và IMF không đáp ứng gói cứu trợ cho CH Síp? (27/02/2013)

>   Hậu bầu cử Italy, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ leo thang? (27/02/2013)

>   "Canh bạc" tham vọng giữa Mỹ-Liên minh châu Âu (27/02/2013)

>   Châu Á đang lâm vào khủng hoảng nợ? (27/02/2013)

>   "Trung Quốc vi phạm quy định thương mại quốc tế" (27/02/2013)

>   Đan Mạch đề xuất gói tăng trưởng kinh tế tranh cãi (27/02/2013)

>   Chủ tịch FED 'bênh vực' QE3 (27/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật