Thứ Sáu, 15/02/2013 10:50

Xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán năm 2012

Phạt… phạt… phạt…: 11 tỷ đồng!

Nhìn lại năm 2012, không ít người sẽ thấy choáng với hàng trăm quyết định xử phạt đã được UBCKNN ban hành với số tiền phạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít vi phạm trong đó đã trở nên quen thuộc với nhiều nhà đầu tư trên thị trường vì mức chế tài quá thấp.

Theo thông tin của UBCK, cơ quan này đã tổ chức tới 7 đoàn thanh tra, 60 đoàn kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đại chúng, công ty kiểm toán và các vấn đề thao túng giá trong năm 2012. Kết quả đã có 180 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng đã được ban hành, tương đương với mức xử phạt của năm 2011, nhưng lại tăng hơn về số vụ.

Ảnh minh họa

Những vi phạm phổ biến vẫn liên quan đến việc công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan với tổng cộng 45 quyết định đã ban hành. Các vi phạm không chỉ liên quan đến những cá nhân nhỏ lẻ trong nước mà còn lan đến những cá nhân chủ chốt của doanh nghiệp như Chủ tịch, Tổng Giám đốc, những cá nhân nước ngoài, các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư trong và ngoài nước… Tuy vậy, các mức phạt được đưa ra chỉ dao động trong khoảng từ 40 triệu - 80 triệu đồng/trường hợp mà theo nhiều nhà đầu tư lẫn chuyên gia đều cho rằng chưa đủ tính răng đe, bởi nhiều tổ chức và cá nhân chấp nhận đóng phạt để hợp pháp hóa những vi phạm của mình.

Một số cá nhân tổ chức bị phạt gần đây do vi phạm công bố thông tin giao dịch như Chủ tịch HĐQT SCL (ông Kiều Văn Mát) bị phạt 30 triệu đồng, ông Lê Tuấn Kiệt (cổ đông lớn của HLG) bị phạt 60 triệu đồng, Chủ tịch Đất Xanh (DXG) Lương Trí Thìn bị phạt 40 triện đồng, ông Willem Stuive (cổ đông lớn của ADC, VLA, VTA…) bị phạt 60 triệu đồng vì chậm báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu, Đầu tư F.I.T mua 3.64 triệu cổ phiếu PSG và trở thành cổ đông lớn nhưng không báo cáo bị phạt 60 triệu đồng…

Những ngày cuối năm, UBCKNN còn công bố quyết định xử phạt 600 triệu đồng đối với hai nhà đầu tư Nguyễn Thị Hương và Lê Ngọc Quỳnh do tạo cung cầu ảo cổ phiếu ASM trong giai đoạn đầu năm khiến cổ phiếu này lao dốc mạnh vào nửa cuối năm 2012. Hiện cổ phiếu ASM đang giao dịch dưới mệnh giá, rất thấp so với mức đỉnh của năm lên đến 26,800 đồng/cp. Đây là vụ tạo cung cầu ảo duy nhất bị xử phạt trong năm, ít hơn nhiều so với 9 cá nhân bị xử phạt trong năm 2011. Tuy nhiên, theo thông tin từ UBCK, cơ quan này đã kiểm tra một số giao dịch bất thường đối với các cổ phiếu khác như CVN, HQC, CDC, FLC, GBS. Riêng vụ thao túng giá cổ phiếu SBS đang chuẩn bị tài liệu liên quan để chuyển cho cơ quan công an.

Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ là những đối tượng trọng tâm được UBCKNN “ưu tiên” thanh tra, giám sát trong năm 2012 bên cạnh những quy định mới góp phần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty này. Thống kê cho thấy có gần 30 công ty chứng khoán và quản lý quỹ bị xử phạt trong năm 2012 với tổng mức phạt hơn 2.6 tỷ đồng.

Điển hình như Công ty Chứng khoán Mekong (MSC) bị phạt đến 3 lần vì chưa tách bạch tiền nhà đầu tư, vi phạm chế độ báo cáo và bị kiểm soát đặt biệt đến tháng 5/2013 do không đáp ứng các điều kiện quy định. Hay như Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư FPT bị phạt đến hai lần với số tiền 310 triệu đồng vì dùng tài sản ủy thác để cho vay chứng khoán, giao vốn cho công ty con không đúng quy định và chưa lưu ký tài sản cho nhà đầu tư.

Bước qua năm 2013, chỉ trong vòng vài tuần đầu nhưng đã có đến hàng chục quyết định xử phạt về vi phạm hành chính đã được ban hành, báo hiệu một năm “vất vả” đối với UBCKNN khi mà những vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra hàng ngày.

Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những chính sách vừa chặt chẽ, vừa mềm dẻo đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa nhằm giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng theo quy định.

Những ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn, UBCNN công bố dự thảo Nghị định

về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định khá chi tiết về các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời kèm theo những mức phạt cụ thể. Đặc biệt, mức phạt tối đa cho các vi phạm có thể lên đến 2 tỷ đồng dành cho tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân.

Tuy nhiên, đình đám nhất trong năm 2012 là vụ Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSC) và Công ty Chứng khoán TPHCM (H.S.C) bị phạt vì cho nhà đầu tư vay chứng khoán bán khống. Chứng khoán Đại Nam còn vi phạm hoạt động tự doanh khi chưa có giấy phép với mức phạt 250 triệu đồng; Chứng khoán H.S.C bị phạt 275 triệu đồng, trong đó H.S.C bị phạt 105 triệu đồng vì giám sát nhân viên chưa tốt, hai nhân viên của H.S.C là Nguyễn Viết Xuân và Phạm Thị Sương bị phạt mỗi người 85 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhân viên môi giới Nguyễn Viết Xuân còn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm (28/12), UBCKNN ban hành quyết định xử phạt hành chính 245 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 60 ngày đối với CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Liên Minh Việt Nam (VNAC) vì hoạt động không đúng nội dung quy định, báo cáo có nội dung sai lệch và giao vốn của công ty cho các cá nhân và người có liên quan quản lý.

Ngoài những hành vi vi phạm như trên thì việc doanh nghiệp chậm nộp các báo cáo theo quy định, đăng ký công ty đại chúng trễ hạn, tổ chức và mời cổ đông tham dự ĐHĐCĐ không đúng với quy định đều bị UBCKNN, đặc biệt là việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn nhưng không đăng ký cũng như báo cáo khi bị phát hiện đều bị xử phạt khá nặng.

Nhìn chung, hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư đều đánh giá cao nỗ lực của UBCKNN trong việc giám sát thị trường, nhưng việc vẫn còn quá ít những vi phạm được phanh phui, cũng như chậm xử lý khiến niềm tin thị trường bị ảnh hưởng khá nhiều.

Viết Vinh (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   Nỗi buồn CTCK năm Nhâm Thìn (14/02/2013)

>   Thao túng TTCK có thể bị phạt 2 tỷ đồng (07/02/2013)

>   Ai mua cổ phiếu HLA? (07/02/2013)

>   07/02: Bản tin 20 giờ qua (07/02/2013)

>   Kỳ vọng thị trường chứng khoán 2013: Còn nhiều băn khoăn (06/02/2013)

>   Sẽ “bịt” khe hở trong kế toán CTCK (06/02/2013)

>   HT1: Bị nhắc nhở chậm công bố thông tin (06/02/2013)

>   NSC: HOSE nhắc nhở chậm công bố thông tin (06/02/2013)

>   Nhà đầu tư lớn chi phối xu hướng thị trường chứng khoán! (06/02/2013)

>   06/02: Bản tin 20 giờ qua (06/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật