Phân hóa đẳng cấp!
Sự chuyển biến quan trọng của thị trường đã một lần nữa đặt NĐT vào tình huống lưỡng lự mà họ đã từng trải qua hồi đầu con sóng: “ Đầu tư hay… đầu cơ?”
Sóng tăng mạnh mẽ trên TTCK đến nay đã bước sang tháng thứ 3, với biết bao hân hoan của giới đầu tư cũng như broker chứng khoán vì “lộc” rơi đúng vào mấy tháng cận Tết. Thậm chí sóng này còn được giới chuyên gia PTKT đặt niềm tin sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ Bull Market kéo dài vài năm. Niềm tin ấy còn phải đợi những tín hiệu chắc chắn khác xác nhận, song chí ít diễn biến thị trường trong những phiên điều chỉnh vừa qua chứng minh rằng đây không phải là con sóng hồi ngắn ngủi!
Tết đến, tiền đi. Khối lượng giao dịch 3 phiên gần đây giảm dần kèm theo sự lừng khừng của hai chỉ số khi chúng đều đối mặt với vùng kháng cự rất mạnh. HNX-Index trong nỗ lực lấp gap vùng 63-64 tạo ra ngày 23/8/2012, đã vô tình gợi ra kịch bản đảo chiều 2 đỉnh kinh điển; còn VN-Index đang gặp khó khăn khi chinh phục đỉnh cao hồi tháng 5/2012- vùng 490. Sự lừng khừng này có thể còn kéo dài hết tuần giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Thìn, thử thách lòng kiên nhẫn (và cả sự gan lỳ) của NĐT vì trước mắt là kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày với biết bao biến cố khó lường có thể xảy ra.
Nhưng với giới phân tích - vốn đoán định tương lai bằng cách xem xét lịch sử - đã chỉ ra những yếu tố tích cực ủng hộ cho sự tiếp diễn của sóng tăng trong những phiên điều chỉnh vừa qua…
Thứ nhất, kịch bản sóng hồi có vẻ thất bại, vì đặc điểm của vùng đỉnh chưa thấy xuất hiện. Còn nhớ vào nửa đầu tháng 5/2012, thị trường náo loạn vì những cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp của dòng khoáng sản, cao su… thi nhau phi trần, trong khi các mã blue chip đứng yên sau quãng thời gian dài dẫn dắt thị trường. Vài phiên gần đây, ngay khi chỉ số hai sàn đỏ điểm hoặc giảm sâu trong phiên thì luôn có cầu giá thấp ở các mã blue chip nâng đỡ, trong khi dòng khoáng sản chỉ nổi loạn và thu hút ánh nhìn ngắn ngủi được một phiên ngày 30/1 đã phải nhường sân khấu cho những diễn viên chính đẳng cấp khác.
Thứ hai, thời kỳ hỗn mang đầu chân sóng mà “vàng thau lẫn lộn” đã qua, dòng tiền gần đây có dấu hiệu tập trung tại sàn Hồ Chí Minh. Tuy rằng khối lượng và giá trị giao dịch của hai sàn giảm dần trong vài phiên qua, nhưng có thể nhận thấy HNX bộc lộ rõ sự yếu thế của mình so với người anh em HSX. Ngoài SCR, PVX, KLS và SHB còn vớt vát được sự quan tâm vì tính đầu cơ, thanh khoản mạnh thì HNX không còn những cái tên nào khác đáng để quan tâm. Trong khi nhìn sang HSX, ta thấy hằng hà sa số sự lựa chọn để đưa vào danh mục theo dõi: BVH, REE, GAS, DPM, HAG, SSI, VCG, HSG, DRC, CSM, VPK… mà tiêu biểu tuần trước là GMD với mức tăng 26.98%.
Sự phân hóa đẳng cấp này diễn ra lại là một tín hiệu rất tích cực cho trung hạn. Ắt hẳn NĐT nào theo sát diễn biến sóng tăng từ tháng 12/2012 đều nhận ra vai trò nhóm lửa thị trường đến từ những mã đầu cơ thanh khoản rất tốt trên sàn HNX. Đó là những mã mà chuyên gia Dương Văn Chung của CTCK MBS với con mắt tinh quái đã chỉ ra từ tháng… 11/2012: SCR và PVX. Thời điểm đầu khi dòng tiền quay lại, thị trường cần những mã đầu cơ có đặc điểm mang lại tỷ suất sinh lời khủng khiếp trong thời gian ngắn ngủi như vậy dẫn dắt, thì mới đủ sức nhóm lửa, kích thích lòng tham và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Nhưng thị trường không thể đi xa với những mã đầu cơ như vậy. Sự phân hóa để chuyển giao vai trò dẫn dắt sang các blue chip là cần thiết và rất quan trọng. Giai đoạn chuyển giao đó, rất có thể đang là hiện tại.
Theo dõi sát phiên giao dịch ngày 1/2/2013, NĐT ắt hẳn sẽ nhận ra nhiều điều: Hết giờ giao dịch buổi sáng, hai sàn còn chìm trong sắc đỏ; nhưng khi thời gian trôi qua 13h được vài phút, thị trường bật tăng trở lại và đóng cửa cuối phiên trong sắc xanh với sự khởi phát và dẫn dắt đến từ BVH. Vài phiên trước, vẫn là cái tên của HSX là GMD và những mã khác lần lượt đóng vai trò hỗ trợ để thị trường không giảm sâu. Và chắc hẳn trong thời gian tới, những cái tên quen thuộc trên HSX sẽ tiếp tục sứ mệnh dẫn dắt hoặc nâng đỡ thị trường. Các diễn viên của sàn Hà đã làm tròn vai trò của mình, và đây là thời điểm lùi vào cánh gà sau khi màn nhung hạ xuống để nhường sân khấu cho các diễn viên của sàn Hồ.
Sự chuyển biến quan trọng của thị trường đã một lần nữa đặt NĐT vào tình huống lưỡng lự mà họ đã từng trải qua hồi đầu con sóng:
“ Đầu tư hay… đầu cơ?”
Đầu tư chứng khoán giống như đi câu cá vậy. Mục đích của nhà đầu tư khi đi “câu cá” là… “ câu được cá”, còn nhà đầu cơ sẽ cố gắng và bằng mọi cách “câu cá to”. Giữa hai chiến lược này luôn tồn tại những tranh luận trái chiều và có lẽ không bao giờ chấm dứt; có người trung thành với một chiến lược, có người sẽ lựa theo từng giai đoạn của thị trường để lựa chọn chiến lược cho phù hợp.
Một tài khoản giao dịch 250 triệu tại chi nhánh Hải Phòng của CTCK MBS đã được thống kê từ tháng 12/2012 đến nay. NĐT này ưa thích đầu cơ lướt sóng, mua bán liên tục, thậm chí tiền bán cổ phiếu này chưa về tài khoản đã ứng trước để mua tiếp cổ phiếu khác. Tổng cộng giá trị giao dịch trong hai tháng vừa qua lên đến vài tỷ, và sau khi trừ đi những chi phí, thuế, tiền lãi của khoản ứng trước tiền bán thì kết quả là… lãi 16 triệu đồng, đạt tỷ suất sinh lời… 6.4%. Nếu đem so sánh với VN-Index hoặc HNX-Index thôi (chứ chưa kể đến những mã blue chip tăng trưởng gần 50% khác) đã thấy rõ sự khập khiễng.
Trong câu chuyện kể trên, bóng dáng của một nhà đầu cơ muốn “câu cá to” đã hiện ra. Nhưng dù cố gắng xoay xở, mua bán liên tục thì kết quả cuối cùng vẫn không hơn một NĐT thực thụ áp dụng chiến lược mua và nắm giữ ngay từ đầu con sóng. Tất nhiên so sánh này cũng là khập khiễng vì thực tế chỉ ra, có những NĐT áp dụng chiến lược đầu cơ đạt tỷ suất sinh lời tính bằng lần trong thời gian vừa qua. Họ có thể là người có khả năng phân tích rất tốt, họ có thể có sự nhạy cảm rất cao với thị trường, hoặc đơn giản là họ may mắn… họ cũng không phải là số hiếm trên thị trường.
Nhưng chắc hẳn chúng ta không xa lạ gì với những điều ngang trái trên cái thị trường đầy huyền bí này, như nhà phân tích chứng khoán lại không đầu tư; người dạy đầu tư chứng khoán lại không phải người thành công trong đầu tư (nếu đã giàu từ đầu tư thì không phải đi dạy)… vv. Và một nghịch lý nữa (chắc hẳn làm các nhà đầu cơ thành công kể trên giật mình) không chỉ được kiểm nghiệm trên TTCK, mà còn được minh chứng rất nhiều lần trong… điện ảnh…
… Anh hùng thường chết sớm!
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
FFN
|