Ngân hàng: Từ tuyên bố đến hành động
Năm 2013, các chuyên gia kinh tế, người trong cuộc nhìn nhận rằng: Nhiệm vụ chính phải thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu - cơ sở để "bơm máu” cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh:Giải quyết dứt điểm món nợ tái cơ cấu, nợ xấu
Tôi cho rằng cái vướng nhất của điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng như điều hành của NHNN nói riêng là chương trình cơ cấu lại ngân hàng. Rõ ràng là ngay từ cuối 2011 chúng ta đã tiến hành đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Ngay cả nội dung của đề án cũng như là việc thực thi đề án đó thì NHNN đã đi đầu trong việc thực hiện. Nhưng đến nay chúng ta vẫn mờ ảo về kết quả đạt được. 5-6 ngân hàng yếu kém còn lại chúng ta vẫn chưa xử lý được.
Vấn đề thứ 2, đây cũng là "món nợ” của NHNN – chính là nợ xấu. Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô tăng nợ xấu hiện nay lại rất lớn, chúng ta chưa có biện pháp gì để có thể xử lý được cơ bản nợ xấu.
Tôi đánh giá cao sự thận trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây nhưng đẩy mạnh tái cơ cấu và bàn cách giải quyết nợ xấu là 2 vấn đề NHNN cần phải thực hiện nhanh, gấp. Năm 2013 dần mở ra với bối cảnh khó khăn về kinh tế thì chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn nữa trong vấn đề làm sao hỗ trợ để chống lại suy giảm kinh tế.
Chúng ta phải khẳng định từ đầu mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng không phải tập trung vào việc tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế mà phải tập trung vào hiệu quả sử dụng và chất lượng tín dụng của nền kinh tế. Nếu không sẽ là sơ hở cho lạm phát có thể bùng phát trở lại.
Ông Trương Đình Tuyển - Thành viên tư vấn hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Ngân hàng phải chuyển từ lời nói thành hành động
Chúng ta có phương án tốt, có mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 12% hợp lý nhưng quan trọng là hành động ra sao và làm như thế nào. Khoảng cách từ lời nói đến hành động là khá xa. Tôi tin thời gian tới sẽ có những ổn định, nếu như khoảng cách này được rút ngắn lại, phải chuyển từ lời nói sang hành động.
Chẳng hạn như chúng ta thu hẹp đơn vị kinh doanh mua bán vàng miếng, chỉ cho phép giao dịch tại những địa chỉ được cấp phép nhưng theo báo chí phản ánh, việc mua bán vẫn diễn ra thoải mái ở nhiều cửa hàng nhỏ lẻ. Chúng ta có chính sách đúng để quản lý thị trường vàng, từ đó chống vàng hóa nhưng do không được giám sát chặt nên ai cũng lách được. Chúng ta áp dụng trần lãi suất nhưng các tổ chức tín dụng, NHTM vẫn khuyến mãi, lách lãi suất bằng cách này cách kia. Doanh nghiệp lách, rồi người dân lách, ngay cả các NHTM cũng lách.
Do vậy nhiệm vụ thời gian tới cần phải xử lý tốt , làm quyết liệt với những ngân hàng yếu kém để không chạy đua lãi suất. Cùng với đó là nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình giải quyết nợ xấu để từ đó có cơ sở để bỏ những biện pháp hành chính trong chính sách điều hành tiền tệ.
Rồi chúng ta cũng đã có quy định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực trạng phần đa doanh nghiệp nhỏ không thể vay được vốn ngân hàng do không có tài sản để thế chấp vay. Doanh nghiệp nào vay được thì cũng phải đối diện với vô vàn thủ tục phức tạp.
Chính sách điều hành tiền tệ của NHNN, lời hứa của các NHTM cần phải hướng đến khối doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc NHTMCP Á Châu ACB: Tiếp tục nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Khó khăn đối với ngành ngân hàng cũng xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế. Ví dụ như nợ xấu lớn ảnh hưởng tới đầu ra của tín dụng. Muốn tồn tại thì phải có đủ cách để vượt qua, ví dụ như khủng hoảng thì có giải pháp chống khủng hoảng. Trong thực tế thì đã khắc phục được những vấn đề khủng hoảng đặt ra.
Nền kinh tế cũng chưa có dấu hiệu gì vượt qua khỏi những khó khăn của năm 2012. Trong năm 2013, chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết những vấn đề đang đeo đẳng như nợ xấu, cải tổ hệ thống, bất động sản đóng băng… Các vấn đề đã được bàn thảo nhiều, ví dụ như giải cứu bất động sản, nhưng giải cứu như thế nào, cách thức làm sao khi quản trị lạc hậu thì chưa có giải pháp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn để có những giải pháp đáp ứng. Bởi nhu cầu của doanh nghiệp mỗi năm mỗi khác, mỗi doanh nghiệp mỗi khác nên không thể đưa ra những giải pháp chung chung được, nhu cầu đó phải gắn liền với doanh nghiệp cụ thể. Doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng, người tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, không có họ thì không có ngân hàng. Chúng tôi không coi doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ mà là đối tượng để phục vụ, qua đó nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Hồ Hương
Đài Đoàn Kết
|