Thứ Ba, 12/02/2013 19:00

Nâng vị thế Việt Nam trong giao thương quốc tế

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2011-2015. Thuận lợi ít, thách thức nhiều sẽ là lực cản cho nền kinh tế. làm thế nào để nâng vị thế Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Bước lùi nhiều năm

Tăng trưởng XK đã trở thành “cứu cánh” cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh XNK chung của cả nước, các chuyên gia kinh tế có không ít “trăn trở” khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã đến thời kỳ hết “nguyên liệu”, việc tăng giá trị đạt thấp.

Năm 2012, XK Việt Nam tăng trưởng 18,3%, trong khi các nước trong khu vực tăng trưởng thấp, Trung Quốc chỉ tăng 7,4%, Philippines tăng 7,25%... Lý giải cho bước đột phá này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2012, XK Việt Nam tăng cao do hàng Việt Nam có chi phí thấp, biết tận dụng khai thác phân khúc thị trường cho người thu nhập thấp.

 Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ, tổng kim ngạch XK dự kiến đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, trong đó XK của khu vực FDI (không kể dầu thô) dự kiến khoảng 70 tỷ USD, chiếm khoảng 56,3% tổng kim ngạch XK. Tổng kim ngạch NK dự kiến đạt khoảng 134,2 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2012. Như vậy, nhập siêu năm 2013 dự kiến khoảng 9,9 tỷ USD, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch XK.

Đặc biệt, khi kinh tế khó khăn các nước chuyển sang sử dụng hàng chất lượng trung bình nên XK của Việt Nam tăng cao. Dù khó khăn nhưng XK của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn tăng trưởng tốt. Thế nhưng, nhìn vào con số XK thì lại không phải vậy.

Những sản phẩm tăng trưởng mạnh của Việt Nam lại là hàng điện tử, thiết bị điện có giá cao. Điều quan trọng hơn thế, những con số XK này lại thuộc về khối DN FDI, đóng góp của khối DN trong nước vào kim ngạch XK là rất ít.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn phụ thuộc vào NK, hay nói cách khác, để sản xuất XK Việt Nam phải NK rất nhiều, ngay cả những mặt hàng chủ lực là dệt may, da giày… tỷ lệ NK rất cao. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2012, nền kinh tế đang có những diễn biến đi ngược xu thế chung.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright cho rằng, nhìn vào tháng 12-2011, tốc độ NK của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước tăng 21% thì đến thời điểm này tốc độ NK giảm khoảng 8%. Điều đó nói lên một thực tế là sức hấp thụ các nhân tố đầu vào của Việt Nam giảm.

Tương quan với thực trạng này là bức tranh của một bộ phận không nhỏ các DN Việt Nam bị sụp đổ trong 2 năm gần đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN trong nước sẽ phải vận hành bộ máy sản xuất rất vất vả trong năm 2013.

Một điểm tích cực của nền kinh tế trong năm 2012 là giảm nhập siêu. Sau gần hai thập niên liên tiếp nhập siêu, đến năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu, nhưng con số xuất siêu lại không thể hiện sự tích cực của nền kinh tế.

Nhìn vào cơ cấu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn: Việt Nam vẫn chủ yếu XK thô, dù đã XK công nghệ cao nhưng chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, giá trị gia tăng ít. Mặt khác, khu vực DN FDI tăng trưởng lớn nhưng khu vực DN trong nước chỉ tăng 0,9%, khối DN trong nước liên tục nhập siêu còn khối DN FDI luôn xuất siêu. “Với chiến công trong XK chủ yếu của DN FDI, DN Việt Nam đang bị bước lùi đáng kể trong năm 2012 về XK khi thị phần giảm, nhường sân cho DN FDI”, bà Lan nói.

Một vị lãnh đạo của Bộ Công Thương lo lắng, nếu không được quan tâm đúng mức đến vốn đầu tư dài hạn cho sản xuất hàng XK để kích thích DN trong nước NK những mặt hàng cần thiết mở rộng sản xuất thì XK nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ gặp khó trong các năm sau. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi theo lộ trình cam kết mức thuế quan dần về 0%.

Trong khi đó, các nước có FTA với Việt Nam lại là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định, biểu thuế về 0% có tác dụng giảm chi phí cho DN NK hàng hóa nhưng cũng là bài toán làm đau đầu các DN. Bởi lẽ, khi chi phí giảm, các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh cao từ hàng NK.

Thay đổi tư duy

Với những phân tích trên, có thể thấy rằng, rất nhiều khó khăn đang “chờ đợi” cộng đồng DN Việt Nam phía trước. Theo bà Phạm Chi Lan, DN Việt Nam cần xem xét lại năng lực cạnh tranh khi những lợi thế về lao động giá rẻ, XK thô tài nguyên thiên nhiên đã bị tận khai. DN cần thay thế những lợi thế cũ bằng lợi thế mới, định vị lại mình trong bối cảnh toàn cầu.

“Nếu muốn tham gia vào chuỗi giá trị khu vực toàn cầu trong điều kiện hội nhập, cần có nền tảng của lao động tốt”, bà Lan nói. Hiện các DN đều dừng lại để xem xét chiến lược phát triển, điều chỉnh năng lực cạnh tranh, tập trung vào những ngành cốt lõi, chấm dứt hoạt động mang tính chất đầu cơ, trào lưu như bất động sản, chứng khoán… Những bài học đó DN đã ‘lãnh’ đủ”.

Còn theo ông Vũ Thành Tự Anh, thời gian qua, Việt Nam không phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế của mình, đó là lợi thế về nông nghiệp. Đến thời điểm này, Việt Nam là nước nông nghiệp, năng lực sản xuất nông nghiệp rất lớn nhưng lại chạy theo công nghệ cao, bỏ quên lĩnh vực trọng yếu.

Ông Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo: “Tư duy này cần thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chỉ đạt 4,7 đến 4,8%, trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng cao”. Nhưng sản xuất nông nghiệp sẽ không còn duy trì được mức tăng trưởng nếu không được tiếp thêm sức mạnh từ đầu tư công nghệ.

Do vậy, cần kết hợp 2 yếu tố, công nghiệp phục vụ nông nghiệp làm cho giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên. Có làm được như vậy, Việt Nam mới có thể tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa, nhất là những mặt hàng XK chủ lực là gạo, cà phê…

Với vai trò là bộ chủ quản các hoạt động XNK, để bảo đảm mục tiêu XK năm 2013 cũng như giúp cho tăng trưởng XK được bền vững, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung nâng cao công tác dự báo thị trường, cập nhật, phổ biến thông tin kịp thời về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng XK trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài…

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như: Điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng XK nhằm bảo hiểm rủi ro cho DN XK…

Phía DN, để tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA mang lại, các DN cần phải chủ động trong việc tìm hiểu những cam kết thuế quan, quy tắc xuất xứ, đặc biệt là các quy định về vệ sinh, kiểm dịch, an toàn thực phẩm - đây là yêu cầu mà rất nhiều thị trường NK quan tâm.

Hơn thế, DN muốn XK tốt phải có khả năng cạnh tranh cao ngay tại chính thị trường nội địa, ngược lại, việc tiếp xúc với thị trường XK cũng làm tăng động lực cũng như năng lực cạnh tranh của DN. Bởi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa là hướng đi “trúng” hai đích khi mà DN vừa tranh thủ khai thác thị trường lợi thế, vừa là thước đo phẩm chất hàng hóa trước khi XK.

Phan Thu

Hải quan

Các tin tức khác

>   Bà Phạm Chi Lan: 'Năm 2013, kinh tế vẫn khó còn BĐS thì cực khó' (12/02/2013)

>   Truyền hình: Mảnh đất béo bở cho DN viễn thông? (12/02/2013)

>   Taxi hút khách đầu năm (11/02/2013)

>   Khí thế sản xuất đầu xuân (11/02/2013)

>   Thương mại điện tử sẽ đổi được "vận" trong 2013? (11/02/2013)

>   “Viễn thông là lĩnh vực duy nhất có giá dịch vụ ngày càng rẻ” (10/02/2013)

>   Trừ “ung nhọt” để cho thương mại điện tử cất cánh (10/02/2013)

>   Thầy phong thủy lạc quan về kinh tế năm Quý Tỵ (10/02/2013)

>   Bộ Tài chính lệnh không tăng giá xăng dịp Tết (10/02/2013)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VINATEX (09/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật