Kinh tế thế giới 2013: Nhờ cậy những "con hổ" châu Á
Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao ở các nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng những chính sách mới của Mỹ trong năm 2012 đã đánh dấu một năm đầy biến động đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là tiền đề cho năm 2013, năm con Rắn trong tín ngưỡng người phương Đông, để châu Á khôi phục kinh tế.
Phong thủy ủng hộ châu Á
Mục Phong thủy và kinh doanh của tờ The Star, nhật báo bán chạy hàng đầu Malaysia cho rằng, năm Quý Tỵ (được bắt đầu từ tháng 2/2013 đến tháng 1/2014) sẽ là năm thuận lợi cho các ngành công nghiệp liên quan đến "gỗ, nước và nguyên tố kim loại," bao gồm giáo dục, tài chính và bảo hiểm, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp liên quan đến khoáng sản.
Bên cạnh đó, một số ngành không gặp được nhiều may mắn sẽ là lĩnh vực bất động sản, xây dựng, viễn thông, theo dự báo của tờ The Star. Những nhóm ngành được dự báo tăng trưởng và thuận lợi được The Star đánh giá đều là thế mạnh của các nền kinh tế châu Á.
Trong năm 2013, các doanh nghiệp có mục đích xây dựng thương hiệu thì nên lựa chọn màu xanh, bởi màu xanh được xem là màu thuận lợi nhất vì nó đại diện cho yếu tố nước. Trong quan niệm của người Trung Quốc, năm Quý Tỵ là năm của rắn nước, trong khi màu đỏ và màu vàng không nên sử dụng bởi nó đại diện cho lửa và đất.
Năm 2012, kinh tế châu Á gặp nhiều khó khăn lớn như lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, ngân hàng Thế giới (WB) đang có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng của khu vực và nhận thấy các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương "vẫn phục hồi bất chấp hiệu suất phát triển mờ nhạt của nền kinh tế toàn cầu." WB dự kiến châu Á sẽ đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2013, tương tự như mức độ đạt được trong năm 2012.
Châu Á tiếp tục đứng vững trong khủng hoảng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán khu vực này vẫn đi đầu trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn 2% so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới vào năm 2013. IMF dự đoán tăng trưởng của châu Á để mở rộng đến 6% vào năm 2013, một sự cải thiện khiêm tốn so với năm trước, được hỗ trợ bằng cách tăng cường nhu cầu bên ngoài và điều tiết chính sách kinh tế, chính trị.
Trong báo cáo tháng 10/2012 của IMF, quỹ này dự báo con số tăng trưởng của Trung Quốc là 8,2%, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6%, Việt Nam 5,1%, Đài Loan 3,9%, Hàn Quốc 3,6%, Australia 3% và Nhật Bản chỉ 1,2%.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rủi ro đang chờ đón châu Á như cuộc khủng hoảng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro và những cuộc đàm phán ngân sách của Mỹ. IMF cũng lưu ý rằng 2/3 các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á có kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường ở châu Âu và Mỹ. Trong năm 2013, kinh tế ở các thị trường này khó khăn hơn nữa có thể kéo giảm hiệu suất tổng thể của khu vực châu Á.
Bên cạnh ba nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhiều quốc gia Đông Nam Á được hi vọng sẽ là điểm sáng đặc biệt với kinh tế thế giới. Đó là Indonesia, Philippin và Malaysia.
Kênh tài chính của CNN cho rằng năm 2013 sẽ là năm của châu Á. Những nỗ lực cải thiện của các quốc gia trong khu vực sẽ dẫn đến tăng trưởng toàn cầu và người dân nơi đây sẽ đóng góp lớn vào tiến trình kích cầu tiêu dùng. Chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Singapore Kishore Mahbubani khá lạc quan về năm 2013. Ông dự báo con số 500 triệu người châu Á thuộc tầng lớp trung lưu trong năm 2012 sẽ tăng lên đến 1,75 tỷ người vào năm 2020. Con số thống kê này sẽ thay đổi cách thế giới nhìn về Châu Á và cách người châu Á sẽ ảnh hưởng đến thế giới trong tương lai không xa.
Nhóm N-11, hi vọng mới của thế giới trong năm 2013
Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2013 chắc chắn sẽ không được sự dẫn dắt từ phương Tây hay bất kỳ một quốc gia nào trong nhóm G8 (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Anh và Mỹ). Bên cạnh đó, tám nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm 2011 là BRIC ( bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) cũng bị suy yếu bởi bị mất thị trường xuất khẩu lớn, các nguồn tài chính và đầu tư. Ngoài Trung Quốc, ba quốc gia còn lại phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế khác nhau, từ lạm phát đến việc thiếu hụt đầu tư nước ngoài và một sự bất ổn trong thị trường lao động.
Trước tình trạng ảm đạm đó, nhóm N-11 (tên gọi do Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và chuyên gia kinh tế Jim O'Neill đặt tên) là 11 thị trường mới nổi tiếp theo được ra đời để thu hút các nhà đầu tư chú ý hơn đến các nền kinh tế đang phát triển khác ngoài BRIC. N-11 bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Mexico, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong năm 2012, N-11 tăng trưởng 12%, vượt xa mức tăng 1,5% của nhóm BRIC. N-11 có tỉ lệ dân số trẻ hơn và có tỷ lệ sinh cao hơn so với Mỹ và châu Âu, đã giúp các quốc gia này thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ và ngoạn mục.
Sự phát triển vượt bậc của nhóm các "con hổ mới" ở châu Á, gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar là điểm sáng đáng chú ý được IMF và WB đánh giá cao. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam và Ấn Độ, cùng các nền kinh tế mới nổi khác, với dân số đông sẽ là những nước có tăng trưởng kinh tế hàng đầu ở Châu Á.
Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Việt Nam là 5,3% và tiềm năng tăng trưởng vẫn đang tiếp tục. Tốc độ phát triển của nền kinh tế Indonesia và Philippines còn ngoạn mục hơn, với thu nhập tăng mạnh, nhất là khi cả hai nước này đều có một lực lượng lao động lớn và trẻ, một tầng lớp trung lưu đang mở rộng và ổn định. Chính sách của chính phủ hai nước đã thu hút và tạo được niềm tin lớn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, họ cũng có một hệ thống tài chính-ngân hàng mạnh mẽ.
Trong một khu vực kinh tế sôi động ở Đông Nam Á, Indonesia và Philippines đang nổi lên với các tiềm năng sẽ để lại một dấu ấn lớn về tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm tới.
Hạnh Lê
Việt nam Online
|