Thứ Sáu, 08/02/2013 16:28

Chủ tịch EU đề nghị ngân sách chung chỉ 973 tỷ euro

Trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên trong năm 2013 diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 7-8/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy - người chủ tọa Hội nghị - đã đề xuất một sự cắt giảm nhẹ hơn nữa cho ngân sách chung của khối giai đoạn 2014-2020, nhằm thu hẹp bất đồng giữa các nước thành viên về kế hoạch chi tiêu ngân sách gần 1.000 tỷ euro.

Việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào tại Hội nghị thượng đỉnh lần này được dự báo sẽ vấp phải không ít khó khăn trong bối cảnh các nước thành viên đang phải tính toán từng xu cho ngân sách của chính họ. Do các cuộc thương lượng song phương trước thềm Hội nghị - chủ yếu xoay quanh việc cắt giảm tiếp hàng chục tỷ euro từ ngân sách dài hạn của EU và các khoản hoàn trả mà 5 nước thành viên nhận từ ngân sách EU hiện nay - ông Van Rompuy phải lùi thời gian khai mạc hội nghị hơn 5 tiếng đồng hồ.

Hội nghị tiến hành thảo luận dựa trên đề xuất mà ông Van Rompuy đưa ra tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, ông Van Rompuy đề nghị một ngân sách 973 tỷ euro cho cả giai đoạn (chiếm 1,01% GDP của EU), thấp hơn khoảng 77 tỷ euro so với dự thảo ngân sách của Ủy ban châu Âu (EC), chưa kể khoản cắt giảm ngoài ngân sách 3,4 tỷ euro cho hoạt động của Quỹ Phát triển châu Âu.

EU có 27 thành viên nhưng cho đến trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, chỉ có 15 nước được cho là ủng hộ đề xuất ngân sách 1.040 tỷ euro của EC, còn những nền kinh tế lớn nhất liên minh này đã cảnh báo sẽ phủ quyết dự thảo ngân sách của EC khi thấy phần đóng góp của mình tăng lên.

Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Van Rompuy nhấn mạnh rằng trong các cuộc thảo luận cuối cùng được dự đoán là sẽ "rất khó khăn và phải kéo dài", các nhà lãnh đạo cần phải chú trọng hơn tới bức tranh toàn cảnh. Ngân sách dài hạn phải giúp giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, và thách thức lớn nhất tại châu Âu lúc này là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao chưa từng thấy.

Theo ông Van Rompuy, do ngân sách là động lực cho tăng trưởng và việc làm nên chi tiêu thực dành cho nghiên cứu, cải cách và giáo dục cần được tăng lên. Tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải sẵn sàng thỏa hiệp vì trên thực tế, hậu quả tiêu cực của việc không đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này sẽ rất nghiêm trọng.

Nhìn từ phía Berlin thì đề nghị của Chủ tịch Hội đồng châu Âu bị coi là một ngân sách quá "hào phóng." Theo quan điểm của giới lãnh đạo Đức, cắt giảm hơn nữa ngân sách của EU là cần thiết. Berlin kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng ngân sách EU giai đoạn 2014-2020 không nên vượt quá 1.000 tỷ euro.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng nêu ý kiến cần cắt giảm thêm hàng chục tỷ euro trong ngân sách dài hạn của EU, và có những dấu hiệu cho thấy chiến dịch vận động hạn chế chi tiêu của ông Cameron đã nhận được sự ủng hộ cao. Anh cùng với một số thành viên khác của EU như Hà Lan, Phần Lan và Thụy Điển, nhóm này đòi Brussels phải mạnh tay cắt giảm ngân sách chung hơn nữa. Các quốc gia này đòi EU cắt giảm chi tiêu và đây sẽ là điểm then chốt của Hội nghị lần này. Bởi lẽ họ là những quốc gia có khoản đóng góp cho EU cao hơn so với các khoản trợ cấp mà họ nhận được từ Brussels.

Một nhóm khác, do Pháp và Italy dẫn đầu, muốn duy trì chi tiêu nhưng hướng nhiều hơn vào việc đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng các điều kiện “vẫn chưa sẵn sàng” cho việc đạt thỏa thuận, nhưng cũng ra tín hiệu rằng Pari sẽ chấp nhận nhân nhượng.

Theo quan điểm của Pháp, ngân sách chung trong giai đoạn 2014-2020 ở mức 960 tỷ euro có thể chấp nhận được. Pari chú trọng vào việc duy trì được Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) mà Pháp là quốc gia hưởng lợi nhiều hơn cả.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo Tổng thống Pháp François Hollande không thể dựa vào Đức để đạt được một thỏa hiệp rộng rãi về ngân sách chung. Bà Merkel cũng không muốn Berlin phải rót nhiều tiền cho EU trong bối cảnh Đức nhận được ngày càng ít trợ giúp cho các tỉnh miền đông, vì khu vực này đã trở nên thịnh vượng hơn. Bà Merkel, người được coi là nhà trung gian quyền lực tại cuộc họp thượng đỉnh, đã thừa nhận rằng các cuộc đàm phán sẽ “rất khó khăn.”

Việc chia rẽ trong EU phản ánh khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia châu Âu và giữa các nước phải trông chờ vào ngân khoản do EU cấp. Lập luận cho rằng cần tăng chi tiêu được các nước như Ba Lan, Hunggary và Tây Ban Nha ủng hộ. Đây là các nước nhận được ngân khoản từ EU nhiều hơn so với khoản đóng góp.

Theo các nhà phân tích, việc không đạt được thỏa thuận ngân sách cho 7 năm tới sẽ khiến EU phải quay trở lại việc tăng ngân sách hàng năm cao hơn./.

Như Mai

vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhật Bản bị cáo buộc khơi dậy “cuộc chiến tiền tệ” (08/02/2013)

>   BI: Dự trữ ngoại tệ của Indonesia đạt 108,78 tỷ USD (08/02/2013)

>   Mỹ: Cắt giảm chi tiêu ngân sách tác động đến kinh tế (08/02/2013)

>   Lợi nhuận ròng giảm, Credit Suisse cắt giảm chi phí (08/02/2013)

>   “Anh có thể phải bơm thêm tiền cho chương trình QE” (07/02/2013)

>   Kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng thấp hơn dự kiến (07/02/2013)

>   Thêm hai NHTW giữ nguyên lãi suất cứu kinh tế (07/02/2013)

>   NH Hoàng gia Scotland bị phạt hơn 620 triệu USD (07/02/2013)

>   Đức thông qua dự luật chia tách hệ thống ngân hàng (06/02/2013)

>   Thống đốc Nhật từ chức trước thời hạn (06/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật