Thứ Hai, 04/02/2013 16:48

Giá gạo hồi phục nhờ kế hoạch tạm trữ

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhẹ trở lại trong tuần trước sau mấy tuần giảm gần như liên tục. Chương trình mua gạo tạm trữ vụ Đông Xuân của Chính phủ được cho là nguyên nhân giúp giá nông sản này hồi phục.

Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa gạo một số loại cũng đã nhích lên trong tuần qua

Theo tin từ Reuters, giá gạo 5% tấm, FOB cảng Sài Gòn, của Việt Nam tuần qua đã tăng lên mức 405 USD/tấn từ mức 390-400 USD/tấn trong tuần trước đó.

Cách đây ít ngày, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2012 - 2013. Theo dự kiến, thời điểm mua tạm trữ sẽ bắt đầu vào ngày 20/2, sau kỳ nghỉ Tết.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2013 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua tạm trữ lúa gạo, không để giá xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa gạo một số loại cũng đã nhích lên trong tuần qua. Cụ thể, theo tin từ VFA, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước đó; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 - 6.700 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá một số loại lúa gạo khác đi ngang hoặc giảm trong tuần. Trong đó, giá lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đồng/kg, bằng với giá của tuần trước đó. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm vào khoảng 6.900 - 7.000 đồng/kg tùy từng địa phương, tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo 15% tấm 7.400 - 7.500 đồng/kg, không đổi so với tuần trước đó; và gạo 25% tấm khoảng 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, giảm 100 đồng/kg.

VFA cũng cho biết, trong tháng 1, xuất khẩu gạo cả nước đạt 404.095 tấn, trị giá FOB 183,437 triệu USD, trị giá CIF 184,255 triệu USD.

Trên thị trường quốc tế, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, sớm muộn gì, Chính phủ nước này cũng sẽ buộc phải bán ra kho gạo tạm trữ khổng lồ, và điều này sẽ gây áp lực giảm giá cho gạo. Mặc dù vậy, trong tuần qua, giá gạo Thái vẫn được hỗ trợ bởi đồng Bath mạnh.

Hiện kho thóc tạm trữ của Chính phủ Thái Lan đã đạt mức khoảng 17 triệu tấn quy gạo, một con số cao kỷ lục. Khối lượng gạo này cao khoảng gấp đôi mức xuất khẩu của Thái Lan bình thường hàng năm trước khi Bangkok bắt đầu chính sách can thiệp thị trường lúa gạo. Hiện nhà chức trách Thái đang gặp khó trong việc mua thêm chỗ chứa thóc gạo.

“Sớm muộn gì Chính phủ cũng sẽ phải xả một phần kho gạo này. Họ đang hết chỗ chứa gạo và cũng cần phải có tiền để duy trì chương trình can thiệp thị trường”, ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp Chính phủ Thái Lan quyết định xả kho gạo tạm trữ, khối lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan năm nay sẽ lớn hơn nhiều so mức 6,5 triệu tấn mà Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo.

Theo ông Korbsook Iamsuri, Chủ tịch Korbsook Iamsuri, nếu Chính phủ Thái Lan xuất khẩu được vài triệu tấn gạo theo kênh chính phủ, thì khối lượng xuất khẩu gạo của nước này năm nay có thể đạt mức 8 triệu tấn.

Năm 2012, Thái Lan xuất khẩu 6,9 triệu tấn gạo, giảm mạnh từ mức 10,6 triệu tấn xuất khẩu trong năm 2011. Chương trình tạm trữ lúa gạo của Chính phủ Thái Lan đã đẩy giá gạo nước này tăng cao và khiến khách hàng ngại mua, nhất là trong bối cảnh nguồn cung gạo từ các nước khác, như Ấn Độ và Việt Nam, rất dồi dào.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, năm 2013, Thái Lan sẽ xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo. Nếu dự báo này trở thành sự thật, Thái Lan có thể giành lại ngôi nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2013. Năm 2012, Thái Lan đã bị Ấn Độ soán mất vị trí này.

Cũng theo dự báo của USDA, Ấn Độ sẽ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm từ mức 10,25 triệu tấn trong năm 2012. Việt Nam được nhận định sẽ xuất khẩu được 7,4 triệu tấn gạo, từ mức 7,7 triệu tấn trong năm 2012.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo hiện đang rất cao. Theo các thương nhân, cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang giảm giá xuất khẩu gạo để thu hút khách mua. Trong khi đó, đồng Baht Thái tăng giá so với USD đang khiến các nhà xuất khẩu gạo Thái thêm phần khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, đồng Baht đã tăng giá 2,8% so với USD, trở thành đồng tiền châu Á tăng giá mạnh nhất. Thị trường chứng khoán và trái phiếu của Thái Lan tăng điểm mạnh là lý do đằng sau sự tăng giá của đồng Baht.

Vì thế, giá gạo trắng tiêu chuẩn loại 5% tấm của Thái Lan tuần qua đã tăng lên mức 570 USD/tấn, từ mức 565 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo cùng loại của Ấn Độ ở mức 405 USD/tấn.

An Huy

tbktvn

Các tin tức khác

>   Thức ăn gia súc Lái Thiêu được minh oan (04/02/2013)

>   Xuất khẩu gạo: Giá sàn bị… vô hiệu hóa (03/02/2013)

>   Người trồng cà phê găm hàng trước Tết (03/02/2013)

>   Giá cà phê: Tết đến rồi…thật hên! (02/02/2013)

>   Từ 20-2: sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (02/02/2013)

>   Tăng giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm lên 410 USD/tấn (01/02/2013)

>   Giá cà phê tăng mạnh (01/02/2013)

>   Rau lên sàn (01/02/2013)

>   Hàng trăm nghìn tấn đường tồn kho: Doanh nghiệp lỡ nhịp vì… chờ (31/01/2013)

>   Từ 20/2, VFA bắt đầu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (30/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật