Chủ Nhật, 03/02/2013 21:15

Xuất khẩu gạo: Giá sàn bị… vô hiệu hóa

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã nhiều lần công bố giá sàn xuất khẩu gạo (có người gọi là giá định hướng, giá hướng dẫn) để ngăn chặn việc “xé rào” của doanh nghiệp, cứu thị trường nội địa, tuy nhiên, dường như điều này chỉ có hiệu lực trên… lý thuyết và trên giấy tờ.

Doanh nghiệp phá giá

Chuyện VFA quy định giá sàn xuất khẩu gạo một đằng nhưng doanh nghiệp chào bán một nẻo đã không còn xa lạ gì với thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, điều lạ là không hề thấy một chế tài, xử lý nào đối với các doanh nghiệp tự ý chào bán dưới giá sàn được VFA công bố.

Trước nhận định thị trường xuất khẩu gạo năm 2013 khó khăn, ảnh hướng đến giá lúa gạo thị trường nội địa, ngày 24-12-2012 VFA đã công bố giá hướng dẫn xuất khẩu gạo và có hiệu lực áp dụng sau 3 ngày kể từ ngày công bố, tức ngày 27-12-2012.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không được chào bán dưới giá 370 đô la Mỹ/tấn đối với loại gạo 35% tấm, giá FOB, đóng bao 50 kí lô gam. Các chủng loại gạo khác như 5% tấm, 10% và 25% tấm…, doanh nghiệp xuất khẩu được tự quyết định giá bán nhưng không được dưới mức giá sàn quy định là 370 đô la Mỹ/tấn.

Tuy nhiên, thực tế kể từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã liên tục hạ giá chào bán. Cụ thể, trong khoảng nửa tháng qua, giá chào xuất khẩu đối với loại gạo 25% tấm luôn dao động ở mức thấp, từ 345 – 360 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn cả mức quy định đối với loại 35% tấm là 370 đô la Mỹ/tấn.

Mới đây, tại cuộc họp ban chấp hành VFA được tổ chức tại TP.HCM ngày 1-2-2013, VFA quyết định kể từ đầu tháng 2 nâng giá sàn xuất đối với loại gạo 5% tấm lên mức giá 410 đô la Mỹ/tấn, tuy nhiên, giá chào xuất khẩu thực tế hiện được các doanh nghiệp “rao bán” chỉ khoảng 385 – 395 đô la Mỹ/tấn.

Theo một chuyên gia ngành nông nghiệp đang công tác tại ĐBSCL (đề nghị không nêu tên), chính việc quy định giá sàn xuất khẩu nhưng buông lỏng quản lý, không có chế tài mạnh là những nguyên nhân làm tình trạng doanh nghiệp hạ giá chào xuất khẩu diễn ra nhiều.

“Trước giờ, không riêng gì quy định giá sàn xuất khẩu gạo, quy định nào cũng vậy phải có quản lý, có chế tài mới thực hiện được nghiêm”, vị này nói.

Hợp đồng kỷ lục nhưng nông dân gặp khó

Theo báo cáo của VFA tại cuộc họp trên, trong tháng 1-2013, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo đạt trên 1,2 triệu tấn (các loại), tăng 184% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, cho biết Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu gạo lớn do giá bán cạnh tranh. Cụ thể, so với thời điểm cuối tháng 12-2012, giá xuất khẩu trong tháng 1-2013 giảm khoảng 20 – 30 đô la Mỹ/tấn và hiện giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thấp hơn cả Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, việc hạ giá của doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã làm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phải lao đao vì sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, Trà Vinh cho biết: “Năm ngoái, lúa đông xuân bán rất dễ, thu hoạch là có lái lúa đến cân ngay nhưng năm nay kêu bán rất khó”.

Theo ông Trần Văn Đệ, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, Trà Vinh, lợi nhuận vụ đông xuân này chỉ khoảng 0,7 - 1 triệu đồng/công (1.000 mét vuông). “Mấy hộ thu hoạch sớm lợi nhuận còn khá, chứ tôi thấy cài đà này giá sẽ còn rớt nữa”, ông Đệ cho biết.

Cánh thương nhân mua lúa tại Đồng Tháp, Tiền Giang, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp chỉ còn khoảng 4.150 – 4.250 đồng/kí lô gam và 5.100 – 5.250 đồng/kí lô gam đối với lúa khô.

Gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá chỉ 6.600 – 6.650 đồng/kí lô gam; gạo nguyên liệu của các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490… dao động trong khoảng 7.100 – 7.200 đồng/kí lô gam.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Người trồng cà phê găm hàng trước Tết (03/02/2013)

>   Giá cà phê: Tết đến rồi…thật hên! (02/02/2013)

>   Từ 20-2: sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (02/02/2013)

>   Tăng giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm lên 410 USD/tấn (01/02/2013)

>   Giá cà phê tăng mạnh (01/02/2013)

>   Rau lên sàn (01/02/2013)

>   Hàng trăm nghìn tấn đường tồn kho: Doanh nghiệp lỡ nhịp vì… chờ (31/01/2013)

>   Từ 20/2, VFA bắt đầu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (30/01/2013)

>   70% diện tích cà phê Tây Nguyên gặp hạn (30/01/2013)

>   Công bố giá mua thóc định hướng (29/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật