Cơ chế cổ phần hóa: 5 điều chỉnh lớn
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, số DN cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 573 DN, trong đó năm 2013 được xác định là năm bản lề của việc triển khai cổ phần hóa.
Cổ phần hóa chậm, do đâu?
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, trong đó có việc sắp xếp, đổi mới đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Về cơ bản, các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đã được duyệt, đều xác định cụ thể hình thức sắp xếp đối với từng DN trong giai đoạn 2011 - 2015, việc xây dựng kế hoạch sắp xếp hàng năm các DN sẽ được các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế quyết định cụ thể cho phù hợp với tình hình của từng DN.
Cũng theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, số DN cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 573 DN. Bên cạnh đó, căn cứ Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, thì các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty cũng đều xây dựng phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có việc rà soát, sắp xếp đối với các DN trực thuộc theo định hướng phân loại DN 100% vốn nhà nước thành 3 nhóm để triển khai. Nhóm 1 là DN mà Nhà nước tiếp tục giữ 100% vốn; nhóm 2 là các DN cổ phần hóa Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm 3 là các DN thực hiện các hình thức sắp xếp khác như bán, tái cơ cấu nợ để chuyển thành công ty cổ phần, giải thể, phá sản…
Quá trình sắp xếp, cổ phần hóa thời gian qua diễn ra còn chậm. Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tọa đàm với các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và thường xuyên cập nhật tình hình để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cổ phần hóa thời gian qua. Qua thảo luận và đánh giá cho thấy, nguyên nhân cổ phần hóa chậm chủ yếu là do tình hình thị trường trầm lắng. Điều này xuất phát từ tác động của việc nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, chậm phục hồi, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và TTCK trong nước.
Các Bộ, địa phương chưa quyết liệt tổ chức chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa. Các DNNN đang tiến hành xây dựng Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 929/QĐ-TTg, nên chậm triển khai kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ chế cổ phần hóa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP chưa thực hiện nhiều, chưa tổng kết, nhưng quá trình triển khai tại một số đơn vị cho thấy xuất hiện một số vấn đề cần được xem xét, tháo gỡ.
Điều chỉnh chính sách
Qua rà soát, tổng kết phối hợp với các cơ quan, Bộ Tài chính đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng cho phù hợp với đặc thù DN.
Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng áp dụng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN và xử lý tài chính trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố giá trị DN…
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN cổ phần hoá theo hướng: về nguyên tắc, tất cả diện tích đất DN cổ phần hoá đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền (trừ những trường hợp đặc biệt thì có cơ chế xử lý cụ thể).
Thứ ba, điều chỉnh quy định về việc đối chiếu, xác nhận và xử lý công nợ đối với các DN đặc thù...
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về việc lựa chọn tổ chức tư vấn các gói thầu định giá DN...
Thứ năm, xem xét quy định cụ thể đối với một số trường hợp cổ phần hóa DN có các đơn vị sự nghiệp có thu như: bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu…
Để thực hiện được phương án tổng thể sắp xếp các DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, thì năm 2013 được xác định là năm bản lề của việc triển khai cổ phần hóa. Cùng với đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách cổ phần hóa nêu trên và quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, DN trong việc quyết liệt tổ chức chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, thì lộ trình cổ phần hóa sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
ThS. Nguyễn Duy Long – Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN – Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính
đầu tư chứng khoán
|