Bất động sản chờ đến quý 3 mới nhúc nhích?
Dù cuối năm 2012, Nhà nước “giải cứu” bằng nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp thì phải đến quý 3/2013 những chính sách này mới phát huy tác dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, từ nay cho đến quý 3, để tồn tại thì các doanh nghiệp vẫn phải tự thân vận động, chính sách giảm giá vẫn đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Đóng cửa đi chùa!
Chung cư Thái An, quận 12.
|
Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành – dù là người đặt nhiều kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường – nhưng hiện tại vẫn phải “bán hàng bất đắc dĩ” theo kiểu cho thuê thế chấp. Đó là mang 22 căn hộ tại dự án chung cư Thái An, quận 12 cho thuê hai năm không lấy tiền. Tuy nhiên, muốn được thuê, khách hàng phải “thế chân” cho chủ đầu tư 200 triệu đồng. Hết thời gian thuê, nếu khách không muốn ở nữa chủ đầu tư sẽ trả lại 200 triệu đồng. Trong trường hợp khách muốn mua luôn căn hộ trên thì sẽ thương lượng với chủ đầu tư theo giá tại thời điểm đó.
Theo ông Đực, sở dĩ ông phải đưa ra cách bán hàng bất đắc dĩ như vậy là vì ông dự đoán năm 2013 sẽ tiếp tục một năm nhiều khó khăn đối với thị trường bất động sản. Lượng hàng tồn kho của năm 2012 sẽ “đổ bộ” sang năm 2013. Những căn hộ bán được trong năm cũng sẽ chỉ quanh quẩn ở phân khúc giá mềm, diện tích phù hợp.
Nhận định năm 2013 sẽ là một năm khá bận rộn của doanh nghiệp mình với nhiều dự án dự định bung hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc công ty bất động sản Tấc Đất Tấc Vàng vẫn đang đi… lễ chùa. Theo giải thích của ông, sớm nhất phải đến quý 3/2013 thì những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tác dụng ở đây cũng chỉ là tác dụng về tinh thần, người dân có thể tin tưởng hơn về một thị trường ổn định, còn về đồng vốn mua nhà sẽ còn rất khó khăn trong điều kiện kinh tế chưa mấy khởi sắc.
Giảm giá?
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, chuyên gia Nguyễn Lê Khánh nhận định, trong năm thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước áp lực về vốn, nợ vay ngân hàng, hàng tồn kho, và tâm lý chờ đợi của khách hàng sẽ khiến nhiều dự án giảm giá. Ông Khánh cũng không mấy kỳ vọng vào những chính sách giải cứu của Nhà nước, bởi lẽ hiện nay lượng hàng tồn kho lớn tập trung chủ yếu ở phân khúc trung bình hoặc giá cao. Trong khi đó, gói giải pháp đang được Chính phủ ưu tiên lại hướng về nhà ở xã hội và nhà cho người có thu nhập thấp. Như vậy, việc giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc cao cấp vẫn khiến các doanh nghiệp khó khăn. Ông Khánh nhận định, người dân đang chờ đợi giá nhà giảm trực tiếp ở mỗi căn hộ, mỗi dự án chứ không mấy ai chờ mong sẽ vay với lãi suất thấp để mua một căn nhà giá cao.
Ông Stephen Wyatt, tổng giám đốc của Knight Frank Việt Nam về nghiên cứu thị trường cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, dường như có quá ít các tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản năm 2013 và việc điều chỉnh giá được dự báo sẽ có thể tiếp tục xảy ra tại phần lớn các phân khúc. Theo ông, nhiều chính sách ưu đãi và kích cầu của các chủ đầu tư, ngân hàng và Chính phủ chưa đủ sức làm gia tăng nhu cầu và niềm tin trên thị trường. Do đó, thị trường trong năm 2013 được dự báo là sẽ tiếp tục trầm lắng và giá chào bán căn hộ có thể tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm, nếu như Chính phủ không thực thi giải pháp, ưu đãi đáng kể nhằm giải quyết các vấn đề của thị trường.
Tương tự, ông Sử Ngọc Khương, giám đốc bộ phận đầu tư công ty Savills Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2013 xu hướng giảm giá, bán tháo vẫn tiếp tục diễn ra bởi thị trường vẫn chưa thoát được những khó khăn dù đã có nhiều chính sách ra đời. Chỉ tính riêng ở TP.HCM đến cuối năm 2012 vẫn còn khoảng 83.200 căn hộ từ 280 dự án trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Do vậy, hạ giá bán dường như là điều bắt buộc nếu như không muốn ôm để chết, bởi dường như sức chịu đựng của doanh nghiệp gần như đã cạn kiệt khi thị trường đóng băng và chịu lãi suất cao.
Tùng Quang
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|