Cụ thể hóa giải pháp “cứu” bất động sản
Được tiếp thêm niềm tin bởi các chính sách giải cứu đang được cụ thể hóa, ngay từ những ngày đầu năm Quý Tỵ, các DN đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ra hàng.
Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhiều biện pháp đã được các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương triển khai tích cực nhằm vực dậy thị trường bất động sản.
Vào cuộc tích cực
Ngay đầu tháng 1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó, có quá nửa số giải pháp nhắm đến thị trường bất động sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, có 2 nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện ngay để đưa Nghị quyết 02 vào cuộc sống.
Nhóm giải pháp đầu tiên là rà soát các dự án bất động sản. Mặc dù Chính phủ mới giao cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện tại Nghị quyết 02, nhưng ngay từ tháng 7/2012, Bộ Xây dựng đã lập đoàn kiểm tra 11 tỉnh, thành, cùng 58 địa phương đã gửi báo cáo, Bộ Xây dựng đã phân loại các dự án theo các hướng: dừng, tạm dừng có điều chỉnh và cho phép triển khai tiếp tục. Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận, tại các địa phương có nhiều dự án lớn thì công tác rà soát, phân loại dự án vẫn chưa đạt được mong muốn của Bộ.
“Qua rà soát, các địa phương tự đề xuất thu hồi dưới 1% tổng số dự án, trong khi Bộ muốn con số này là 30 - 40%. Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra những tiêu chí cụ thể để làm căn cứ ra quyết định thu hồi dự án không phù hợp”, ông Nam nói.
Mới đây nhất, UBND TP. HCM đã quyết định thu hồi 30 dự án bất động sản chậm triển khai trên địa bàn. Mặc dù đây là con số nhỏ (30/261 dự án đã được cấp phép đầu tư), nhưng đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo địa phương có thị trường bất động sản phát triển nhất cả nước trong việc thanh lọc thị trường nhằm cân đối lại nguồn cung. Tương tự, UBND TP. Hà Nội cũng vừa thông báo sẽ thu hồi 9 dự án bất động sản đã cấp phép đầu tư trên địa bàn, với tổng diện tích dự kiến thu hồi trên 51.500 m2. Trước đó, trong năm 2012, Hà Nội cũng đã thu hồi đất của 7 tổ chức, với tổng diện tích đất hơn 8 triệu m2.
Nhóm giải pháp thứ hai là yêu cầu chính quyền các địa phương phải nhanh chóng ban hành thủ tục, quy trình và giải quyết nhanh chóng cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang nhà xã hội.
Ông Nam nhìn nhận, đây là một giải pháp đạt được nhiều mục tiêu, vừa có mục tiêu kinh tế, giảm hàng tồn kho, vừa có mục tiêu an sinh xã hội. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị, trong quý I/2013, các địa phương phải ban hành những thủ tục theo hướng trên.
“Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi dự án, vì vậy, các sở xây dựng phải chủ động xây dựng quy trình sao cho ngắn gọn nhất, hiệu quả nhất để nhanh chóng chuyển đổi mục đích dự án ngay trong quý I, chậm nhất là đầu quý II/2013 để các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện trong vòng 6 tháng đến 1 năm là có sản phẩm đưa ra thị trường”, ông Nam nói.
Tạo đà phát triển ổn định
Trao đổi với báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, trong năm 2013 và cả những năm tiếp theo, xu hướng chuyển đổi các dự án từ nhà ở thương mại quy mô lớn, đắt tiền sang nhà ở quy mô nhỏ, rẻ tiền, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân sẽ tăng mạnh.
“Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ, lại liên quan đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, nên khi thị trường gặp khó khăn cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương cũng như Chính phủ, các bộ, ngành để vực dậy thị trường. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, vì bất động sản đóng băng như hiện nay là một ‘nút thắt’, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nói và cho biết, Bộ Xây dựng đã xây dựng xong dự thảo Nghị định phát triển nhà ở xã hội và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều chính sách sẽ được cụ thể hóa như miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi vay cho người dân mua nhà hay các chính sách giảm thuế VAT…
Là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thị trường bất động sản, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Hiện nay, bài toán vốn cho thị trường bất động sản là một trong những yếu tố rất quan trọng. Quá trình tái cấu trúc thị trường tiền tệ, tái cấu trúc ngân hàng cũng đang diễn ra tích cực. Quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư bất động sản, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng”.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình cho biết, dự kiến trong quý I/2013, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội. Theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay để cho các đối tượng được hỗ trợ vay vốn về nhà ở. NHNN hỗ trợ một phần nguồn vốn cho vay đối với các ngân hàng này thông qua việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm. Ông Bình cũng cho biết, theo định hướng của NHNN, lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng bằng lãi suất chiết khấu cộng thêm 1 - 2%, hoặc bằng trần lãi suất huy động + 1%...
Là người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với những giải pháp được đánh giá là trúng và khả thi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực tự điều chỉnh của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, và đặc biệt là niềm tin của người dân đối với thị trường được hồi phục, chắc chắn thị trường bất động sản năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau.
“Cơ hội và thách thức đan xen”
Ông Nguyễn Đức Ngọc, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị The Costa Nha Trang
Thị trường bất động sản năm 2013 đan xen thách thức và cơ hội cho cả hai phía cung và cầu. Những doanh nghiệp, dự án không còn khả năng, hoặc không tìm được nguồn vốn để tiếp tục triển khai sẽ bị đào thải. Trong khi đó, những dự án đang hoàn tất có nhiều cơ hội, do người mua chỉ mua những sản phẩm đã và đang hoàn thành. Các nhà đầu tư nội chuyển hướng tập trung phát triển nhà ở phân khúc thấp và có nhu cầu thực, tại phân khúc này sẽ bùng nổ về nguồn cung trong 1 - 3 năm tới, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt vào cuối năm nay.
Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Lãi suất đang giảm và dần ổn định, nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sở hữu nhà ở. Ngược lại, một lượng tiền mặt rất lớn từ kênh tiền gửi tiết kiệm (do lãi suất tiết kiệm giảm) sẽ chảy vào phân khúc bất động sản có giá trị gia tăng và vị trí tốt.
Ông Dane Moodie, Giám đốc điều hành Văn phòng Colliers International tại Hà Nội
Theo chúng tôi, 2013 sẽ là năm bản lề đối với thị trường nhà ở tại Việt Nam, nếu trải qua được giai đoạn khó khăn này, thị trường sẽ trưởng thành hơn nhiều và dự kiến sẽ quay lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2014 trở đi. Theo quan sát của chúng tôi, các dự án căn hộ bình dân và trung cấp với tiến độ và chất lượng xây dựng tốt, giá dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ dẫn dắt thị trường. Nhìn chung, thị trường vẫn phụ thuộc vào chính sách vĩ mô, đặc biệt, chủ trương cho phép chuyển đổi dự án sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho thị trường.
Bài toán về vốn và lãi vay sẽ tiếp tục ảnh hướng đến các doanh nghiệp bất động sản, trong khi giá còn giảm nhẹ khoảng 6 - 8% trong năm 2013. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn đối với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính với những dự án có tiến độ tốt và sản phẩm phù hợp. Về dài hạn, phân khúc trung, cao cấp vẫn cho thấy tiềm năng phát triển, tuy vậy, cần có những chiến lược phát triển có tầm nhìn hơn để thu lời từ phân khúc này.
|
Minh Nhật
Đầu tư chứng khoán
|