“Xử” nợ xấu để tăng tín dụng
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (LPB), cần phải khẩn trương thành lập công ty mua bán nợ quốc gia và có cơ chế rõ ràng để công ty này nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhiều nước đã xử lý nợ xấu và vượt qua khủng hoảng thành công nhờ mô hình này.
TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xoay quanh vấn đề tăng trưởng tín dụng (TTTD).
Ông thấy sao khi có ý kiến cho rằng, NHNN nên giao chỉ tiêu TTTD theo lĩnh vực, ngành nghề?
Theo tôi, NHNN dựa trên cơ sở xu thế phát triển nền kinh tế, thế mạnh cũng như rủi ro của từng ngành, lĩnh vực, sau đó định hướng đưa các chỉ tiêu TTTD. Cách làm này vừa khoa học, hiệu quả mà vẫn phòng ngừa rủi ro. Dù NHNN có “thả” thì các NHTM cũng không dám mạnh tay bung tín dụng như trước nữa. Vì không ít các ngân hàng đã phải trả giá khá đắt do TTTD nóng trong thời gian qua. Do đó, ngân hàng sẽ tự phải quản chặt dòng tiền khi đi ra khỏi ngân hàng.
Theo ông, mức TTTD 12% có phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013?
Tôi cho rằng mức TTTD 12% là phù hợp. Nhưng để đạt được mục tiêu đề ra thì cần có sự “mấp mô”giữa các ngân hàng. Hay nói cách khác sẽ phải có ngân hàng tăng trưởng 20 - 30% để bù đắp cho những ngân hàng chỉ tăng vài phần trăm. Có như vậy TTTD toàn hệ thống mới đạt được mức 12%. Với LienVietPostBank có tham vọng TTTD năm 2013 đạt 30%, thậm chí có thể hơn một chút.
Nhưng nút thắt ngăn dòng tín dụng là nợ xấu vẫn chưa được xử lý?
Đúng vậy. Theo tôi, cần phải khẩn trương thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) và có cơ chế rõ ràng để công ty này nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhiều nước đã xử lý nợ xấu và vượt qua khủng hoảng thành công nhờ mô hình này.
Ông có cho rằng ngân hàng cần phải giảm lãi suất, nới lỏng các điều kiện tín dụng thì DN mới dám vay vốn?
Trên thực tế, lãi suất vẫn có thể giảm nữa. Nhưng vấn đề là trong thời gian vừa qua, ngân hàng đã giảm gần như hết cỡ nhưng việc tiếp cận vốn của các DN vẫn chưa cải thiện được nhiều. Nguyên do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, cộng thêm nợ xấu cao. Tuy nhiên, nếu nới điều kiện tín dụng có thể khiến nợ xấu tăng nhanh hơn. Vì vậy mọi điều chỉnh nếu có cũng cần thận trọng.
Giả thiết 6 tháng nữa VAMC mới chính thức đi vào hoạt động, thì LienVietPostBank đã có “kịch bản” gì cho TTTD?
Hiện LienVietPostBank đã chuẩn bị nguồn vốn rẻ để đưa ra gói tín dụng cho vay lãi suất thấp, nhằm hút những khách hàng tốt. Vì thường những đối tượng khách hàng này rất “kiêu căng”.
Ông có thể tiết lộ về nguồn vốn rẻ trên không?
Bài toán vốn mà LienVietPostBank đang thực hiện là mua trái phiếu, tín phiếu làm tài sản đảm bảo vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp. Từ nguồn vốn rẻ này ngân hàng có điều kiện cho vay DN với lãi suất thấp. Hay nói cách khác là ngân hàng mua buôn và bán lẻ. Đây là giải pháp mang lại thành công cho ngân hàng trong năm qua.
Vậy đối tượng khách hàng mục tiêu của LienVietPostBank trong năm 2013?
Trong năm 2013, đối tượng khách hàng mũi nhọn của LienVietPostBank là nông nghiệp nông thôn. Theo đó, LienVietPostBank dành khoảng 12 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực này, tức là tăng gấp đôi so với năm 2011. Nhiều người cho rằng, các ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thôn là làm “chính sách”, nhưng tôi khẳng định cứu nông dân cũng chính là cứu mình. Bởi tôi đã nhận ra một điều, nông dân không chỉ mang lại nguồn vốn bền vững, mà còn đảm bảo chất lượng tín dụng cho ngân hàng. Hơn thế, việc làm này cũng góp phần xoá bỏ tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thanh Huyền (thực hiện)
thời báo ngân hàng
|