Thứ Bảy, 26/01/2013 08:14

Xử nặng CTCK “nhập nhèm” tài khoản

Đã có quy định mới về quản lý tách bạch tài khoản của NĐT với CTCK, nhưng mới có hiệu lực… trên giấy. Điều này đặt UBCK trước nhiều thách thức, nếu không muốn tái diễn “phiên bản” CTCK Tràng An.

Hiệu lực… trên giấy

Sự khó khăn đến khắc nghiệt của TTCK trong năm qua đã bộc lộ nhiều “chiêu trò” của các CTCK. Trong đó, “nóng” hơn cả là những vụ CTCK “hô biến” tiền trong tài khoản của khách hàng. Cao trào của hiện tượng này là việc Tổng giám đốc CTCK Tràng An Lê Hồ Khôi vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam, để điều tra làm rõ các hành vi sai phạm trong quá trình điều hành Công ty.

Nhận diện rõ mối nguy của tình trạng CTCK “nhập nhèm” tài khoản sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của NĐT đối với TTCK, UBCK đã hơn một lần có những nỗ lực buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản của khách hàng với CTCK. Mới đây nhất, nỗ lực này đã được cụ thể hóa tại Thông tư 210/2012 thay thế Quyết định 27/2007 hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK.

Quy định mới buộc CTCK phải xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng. Theo đó, khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại, do CTCK lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán… Ngoài ra, CTCK có thể xây dựng bổ sung hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng, để NĐT lựa chọn theo hướng: CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại, để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của CTCK…

Với những quy định trên, cần có thời gian để CTCK tuân thủ. Tuy nhiên, cũng tại Thông tư 210/2012, có một quy định không khó tuân thủ là: CTCK phải công bố trên website và tại các chi nhánh, phòng giao dịch của CTCK danh sách ngân hàng thương mại được lựa chọn cho hai phương thức quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng... Quy định này đã có hiệu lực từ 15/1/2013, nhưng tại tất cả các CTCK mà ĐTCK tìm hiểu đều chưa công khai thông tin này.

Có phải vì mối lợi của mình, hay vì một lý do nào khác mà các CTCK đang chậm trễ trong tuân thủ quy định mới về quản lý tách bạch tài khoản? Nếu tình trạng này không sớm được chấn chỉnh, không có gì chắc chắn tài sản của NĐT được đảm bảo an toàn.

Sẽ “xử” mạnh tay

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK cho biết, các CTCK đang có sự chậm trễ trong tuân thủ các quy định mới về quản lý tách bạch tài khoản, là bởi văn bản này vừa có hiệu lực. Cần có thêm thời gian để các CTCK nắm rõ và thực hiện các quy định mới. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định mới được tuân thủ nghiêm, nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT, thị trường, UBCK đang đốc thúc các CTCK khẩn trương áp dụng các quy định mới về quản lý tách bạch tài khoản của NĐT với CTCK.

“Trong năm 2013, UBCK sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát việc các CTCK tuân thủ quy định mới về quản lý tách bạch tài khoản. Với các trường hợp vi phạm, UBCK sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong chấn chỉnh các vi phạm về quản lý tách bạch tài khoản của NĐT và CTCK. Qua đó, gia tăng niềm tin của NĐT vào CTCK, cũng như thị trường…”, ông Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, UBCK đang tập trung triển khai Thông tư 210/2012 theo hướng buộc các CTCK tuân thủ nghiêm chế độ báo cáo và công bố thông tin. Sắp tới, ngoài kiểm tra định kỳ, UBCK sẽ kiểm tra đột xuất các trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý tách bạch tài khoản, để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Cũng theo lãnh đạo UBCK, phương án CTCK mở tài khoản chuyên dụng (tài khoản tổng) tại ngân hàng thương mại, để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT, nếu được kiểm soát tốt, thì vừa giảm thiểu gây xáo trộn cho CTCK cũng như NĐT, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài sản cho NĐT. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, để phương án này được triển khai bài bản và tạo sự tin cậy hơn cho NĐT, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Tín thác. Trong đó quy định, tiền trong tài khoản tổng mà CTCK mở là tiền của khách hàng, nhưng đứng tên CTCK. Các ngân hàng phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tài khoản này, nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho NĐT.

Thực ra, việc buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản của NĐT với CTCK theo hệ thống nào đi nữa, nhưng nếu cái gốc là đạo đức nghề nghiệp, tính tuân thủ, cũng như hệ thống quản trị rủi ro tại CTCK không được tăng cường và coi trọng, thì nguy cơ tài khoản của NĐT bị lạm dụng sẽ luôn hiển hiện.

Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   VBH bị phạt do không cập nhật đầy đủ thông tin trên website (25/01/2013)

>   MIC, STL: Hai cá nhân bị phạt 90 triệu đồng do vi phạm CBTT (25/01/2013)

>   “Xào” BCTC để thoát hủy niêm yết (25/01/2013)

>   KDC: Bán cổ phiếu trước khi đăng ký, Thành viên BKS Võ Long Nguyên bị phạt 40 triệu đồng (25/01/2013)

>   VietinbankCapital bị phạt do không chào mua công khai cổ phần PV-Inconess (25/01/2013)

>   Hé lộ 2 cổ đông mới nắm hơn 90% vốn của Quản lý Quỹ Nhân Việt (25/01/2013)

>   25/01: Bản tin 20 giờ qua (25/01/2013)

>   Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc (24/01/2013)

>   Hàng chục nhà đầu tư trúng Ipad và Iphone ở Maybank Kim Eng (24/01/2013)

>   HOSE: Còn 6 doanh nghiệp chây ì BCTC quý 4/2012 (24/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật