Tin vui cho các ngân hàng toàn cầu trong năm mới
Các nhà điều hành toàn cầu vừa tuyên bố ngân hàng sẽ có thêm 4 năm để củng cố nguồn vốn đệm, tạo điều kiện để các ngân hàng có thể sử dụng một phần lượng tiền dự trữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
* Khối ngân hàng EU muốn trì hoãn thực thi Basel III
* Basel 1 với ngân hàng Việt, chờ 2015
Vào ngày Chủ nhật (06/01) theo giờ của Mỹ, Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel gồm 27 quốc gia thành viên đã sửa đổi quy định về Tỷ lệ bảo đảm thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR) được đề xuất cách đây hai năm nhằm giúp các ngân hàng có đủ tiền mặt để vượt qua các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Cụ thể, quy định mới về LCR sẽ bắt đầu được giới thiệu dần vào năm 2015 và chính thức có hiệu lực trong 4 năm sau đó, tức năm 2019.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên các nhà điều hành toàn cầu đòi hỏi từng ngân hàng phải có đủ tiền mặt và các tài sản có thanh khoản cao để sống sót qua các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài trong 30 ngày. Đây một trong hai nội dung quan trọng của gói cải cách chuẩn Basel III. Được biết, các quy định mới về nguồn vốn sẽ bắt đầu được giới thiệu trong tháng 1 này.
Trước đó, các ngân hàng phàn nàn rằng họ không thể vừa tuân thủ quy định mới về lượng tài sản có thể dễ dàng bán được khi quy định này có hiệu lực vào tháng 1/2015, vừa cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Từng lên tiếng cảnh báo các quy định quá nghiêm ngặt có thể kìm hãm cho vay và bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế, các nhà phân tích cho rằng quy định vừa được công bố linh hoạt hơn so với bản dự thảo. Quy định mới cho phép các ngân hàng nắm giữ nhiều loại tài sản đủ tiêu chuẩn, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các chứng khoán thế chấp nhà ở chất lượng cao.
Người đứng đầu Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel, Mervyn King, cho biết khung thời gian áp dụng chuẩn mực mới sẽ không còn cản trở khả năng của hệ thống ngân hàng toàn cầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|