Thứ Sáu, 04/01/2013 13:38

Thị trường vàng 2013: Nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ nay đến hết ngày 30/6/2013 tức là thời điểm các TCTD phải tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng thì thị trường vàng tự điều chỉnh giảm. “Có thể sau thời điểm các NHTM đóng trạng thái vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ tính tiền trăm”, ông Nghĩa nói.

Sáng 3/1/2013, giá vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh 110 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch hôm trước, đạt mức 46,55 - 46,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC tại Hà Nội hiện giao dịch ở 46,55 - 46,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần trước, giá vàng SJC tăng 530 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng mạnh của giá vàng thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 2/1/2013, giá vàng thế giới tăng tới gần 1% ngay khi quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận ngân sách tránh “vách đá tài khóa”, giải thoát nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi nguy cơ suy thoái.

Giá vàng thế giới giao ngay tại thời điểm 18h ngày 3/1/2013 theo Kitco đứng ở 1.684 USD/oz, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, vàng thế giới đang ở khoảng 42,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.

Năm 2012, giá vàng SJC tăng 4,5 triệu đồng/lượng (tương đương tăng 10,7%) so với cuối năm 2011; trong khi giá vàng thế giới tăng khoảng 7%. Chính vì vậy, thời điểm này giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang vênh nhau khá cao.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bày tỏ quan điểm: Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu NHNN can thiệp để thu hẹp khoảng cách giá vàng giữa hai thị trường là đi ngược với mục tiêu của Nghị định 24. Việc chênh lệch ngày càng rộng của giá vàng nội – ngoại nhưng không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng” được nhận định là chủ yếu do việc gom vàng của các TCTD để tất toán trạng thái, còn nhu cầu của người dân không có gì đột biến.

Cùng chung nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: một số ngân hàng phải đẩy mạnh mua vàng trên thị trường trước thời điểm phải đóng trạng thái vàng. Theo ông Nghĩa, có thể NHNN nhận thấy, vàng trong dân vẫn còn nhiều nên để các TCTD mua vàng trong dân còn hơn là phải nhập khẩu vàng, vừa tiêu tốn thêm ngoại tệ, lại có thể gây sức ép lên tỷ giá. Đây là lý do NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cũng như không thực hiện bình ổn giá vàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc hạn chế nhập khẩu vàng cho thấy NHNN quyết không tạo sự liên thông giá vàng trong nước và quốc tế. Sở dĩ NHNN phải làm như vậy là do nước ta kiên trì thực hiện chủ trương xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là phải “đuổi” vàng với tư cách là tiền gửi ra khỏi ngân hàng. “Đây là điều kiện tiên quyết trong tiến trình này. Do đó NHNN phải làm sao để vàng trở thành hàng hóa mua bán bình thường, tức là ngân hàng chỉ mua – bán chứ không nhận vàng gửi từ dân cư”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ nay đến hết ngày 30/6/2013 tức là thời điểm các TCTD phải tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng thì thị trường vàng tự điều chỉnh giảm. “Có thể sau thời điểm các NHTM đóng trạng thái vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ tính tiền trăm”, ông Nghĩa nói.

Diễn biến giá vàng trong một năm qua (đơn vị: triệu đồng/lượng)

Về lộ trình quản lý thị trường vàng trong năm 2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, để kiểm soát rủi ro biến động giá vàng trong hoạt động kinh doanh vàng miếng đối với các TCTD, tại Thông tư 38/2012/TT-NHNN về trạng thái vàng của các TCTD, NHNN yêu cầu các TCTD không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% vốn tự có và không được để trạng thái vàng âm.

Thống đốc cũng khẳng định, trong năm 2013, việc quan trọng nhất là phải chuyển toàn bộ quan hệ vay mượn vàng sang quan hệ mua bán. Khi các ngân hàng hoàn tất việc đóng trạng thái, chấm dứt huy động vàng, thị trường vàng miếng hoạt động ổn định, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng với mục đích tăng thêm dự trữ quốc gia bằng vàng một cách có lợi nhất, đảm bảo sự lưu thông của thị trường vàng.

Điều đó đồng nghĩa với việc, tới đây giá trên thị trường vàng miếng trong nước sẽ do NHNN kiến tạo theo ý đồ xóa bỏ “vàng hóa” nền kinh tế, chuyển đổi vàng thành tiền để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Hay nói cách khác “Nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền”.

Hà Thành

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giá vàng lao dốc mạnh (04/01/2013)

>   Vàng rớt gần 1% khi Fed hoài nghi về dòng tiền rẻ (04/01/2013)

>   Những vùng trắng vàng miếng (04/01/2013)

>   Khó tránh vàng ngầm (03/01/2013)

>   Giá vàng sẽ đi về đâu? (03/01/2013)

>   Khoảng 4.000 điểm kinh doanh vàng đã bỏ cuộc (03/01/2013)

>   Giá vàng lên cao nhất trong 3 tuần (03/01/2013)

>   Vàng lên sát 1,700 USD/oz trước khi rút ngắn đà tăng (03/01/2013)

>   Giá vàng lên 46,6 triệu đồng vào ngày đầu năm mới (02/01/2013)

>   Giá vàng năm 2012 tăng 9% (02/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật