Giá vàng sẽ đi về đâu?
Vàng luôn có xu hướng đi lên trong thời buổi bất ổn hay xảy ra khủng hoảng. Không may là các khó khăn tài chính toàn cầu vẫn chưa tìm được lối thoát. Có nhiều dự đoán rằng sự bất ổn và mất cân bằng thời gian qua và cả trong ngắn hạn sắp tới chỉ có thể kết thúc khi thế giới bước sang thập niên mới. Bởi vậy, sang năm 2013 vàng vẫn có sức hút các nhà đầu tư và lấy lại vị thế là "nơi trú ẩn an toàn".
Theo dự báo của ScotiaMocatta, chi nhánh kinh doanh vàng của Scotiabank, giá vàng có thể lên tới 2.200 USD/ounce trong năm 2013.
Ngược dòng 2012
Giá vàng khởi đầu năm 2012 ở mức 1.530 USD/ounce sau khi tăng hơn 12% trong năm 2011. Vàng ngày càng “lấp lánh” hơn bởi bất ổn ở khắp nơi trên thế giới càng đẩy nhà đầu tư đến gần hơn với vàng dù cho có lúc kim loại quý này bị họ coi là tài sản rủi ro và quay lưng. Càng về cuối năm đà tăng không hề bị chững lại mà thị trường vàng thế giới còn ghi nhận năm thứ 12 liên tiếp thăng hoa.
Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng là cơ hội để vàng tăng giá
|
Năm 2012 tình hình thế giới chẳng hề yên ả. Đó là các cuộc xung đột ở Trung Đông, trong khi mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ lan rộng đe dọa sự tồn vong của liên minh kinh tế này. Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí cả Pháp đang bên bờ vực sụp đổ về kinh tế và chính trị.
Trong khi đó giới chức Mỹ vẫn cứ loanh quanh, dù biết rằng nếu vấn đề tăng thuế và cắt giảm chi tiêu không ngã ngũ thì ngay khi năm mới 2013 gõ cửa nước Mỹ sẽ húc đầu vào "vách đá tài chính" và như vậy cũng đồng nghĩa với việc khoảng 600 tỷ USD sẽ tự động rút khỏi nền kinh tế - con số đủ để đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại suy thoái kèm theo những tác động không thể lường trước đối với kinh tế toàn cầu.
Giá vàng - cũng như giá của một loại hàng hóa - được thúc đẩy bởi luật cung cầu cơ bản. Nhu cầu vàng chịu ảnh hưởng của bốn nhân tố: ngân hàng trung ương, lĩnh vực kim hoàn, công nghệ (dùng trong công nghiệp và nha khoa) và đầu tư tư nhân. Năm 2010 các ngân hàng trung ương đã chuyển từ khách bán ròng sang mua ròng do lượng vàng bán ra từ các nước phát triển giảm và các nước đang phát triển tăng cường mua vào.
Theo thống kê, năm 2012 các ngân hàng trung ương, nhất là ở các nước đang phát triển, đã mua vào 493 tấn vàng, vượt cả con số 457 tấn của năm 2011. Nhiều nhà phân tích tin rằng xu hướng này vẫn còn tiếp diễn trong năm 2013. Tỷ trọng vàng thấp trong tổng tài sản của ngân hàng trung ương các nước đang phát triển như Trung Quốc (2% so với 70% ở các nước như Mỹ, Đức, Pháp) tạo ra cơ hội vững chắc là các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục là khách mua ròng trong năm 2013 và những năm sau đó.
Không chỉ các ngân hàng trung ương, bản thân các NHTM cũng đang tìm đến vàng như một tài sản an toàn. Bởi theo Thỏa thuận Basel III (được soạn thảo giữa lúc kinh tế toàn cầu phải chống chọi với cơn bão chính 2007-2009) dự kiến được thực thi từ 1/1/2013. Theo đó, các ngân hàng phải nâng tỷ lệ vốn cấp I trên tổng nợ từ 2% lên 7% tức là các ngân hàng phải giữ tiền nhiều hơn và cho vay ít đi.
Sau đợt rớt giá của vàng trong thập niên 1980, Ủy ban Basel đã coi vàng là tài sản rủi ro, còn trái phiếu chính phủ và bất động sản được xếp vào dạng có rủi ro bằng 0. Tất nhiên quan điểm đó đã sai lầm khi thực tế cho thấy thị trường bất động sản toàn cầu sụp đổ và trái phiếu chính phủ như của Hy Lạp hay Tây Ban Nha bị coi là bỏ đi. Bởi vậy giờ đây họ đang cố gắng sửa chữa sai lầm đó bằng cách lại đưa vàng vào danh mục tài sản cấp I tương tự như trái phiếu chính phủ.
Chưa hết, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục in tiền sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát, khi đó thì cơn sốt vàng càng trỗi dậy. Ở hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, năm 2002 họ mới chỉ chiếm 23% nhu cầu vàng toàn thế giới, nhưng ngày nay đã tăng lên 47%. Ngoài nhu cầu làm đồ trang sức và sử dụng trong công nghiệp và nha khoa, nhu cầu đầu tư vào vàng để kiếm lời chiếm khoảng 40% tổng cầu vàng toàn cầu.
Trong bối cảnh nợ nần của các nước gia tăng theo sau cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2007, nhu cầu vàng như là hình thức đầu tư đã đạt tới mức cao kỷ lục vào năm 2011 và vẫn tiếp tục tăng trong những năm sau đó. Chính nhu cầu giữ vàng để bảo toàn nguồn vốn đó đã đẩy giá vàng lên mức đỉnh 1.920 USD/ounce vào tháng 9/2011.
Một động lực khác đẩy giá vàng lên là nguồn cung (sản lượng vàng) từ các mỏ không theo kịp cầu. Ngành khai thác vàng khắp thế giới hết sức chật vật tìm thêm vàng. Theo Barrick Gold Corp, năm 2011 ngành vàng thế giới đã đầu tư tới 8 tỷ USD để thăm dò vàng. Dù cho có sự đầu tư lớn như vậy, nhưng số mỏ vàng được phát hiện lại giảm. Bloomberg cho biết, năm 1991 thế giới tìm được 11 mỏ vàng, nhưng trong năm 2011 con số chỉ là ba. Khi cung – cầu mất cân bằng, giá cả tăng là đương nhiên.
Viễn cảnh 2013
Vàng luôn có xu hướng đi lên trong thời buổi bất ổn hay xảy ra khủng hoảng. Không may là các khó khăn tài chính toàn cầu vẫn chưa tìm được lối thoát. Có nhiều dự đoán rằng sự bất ổn và mất cân bằng thời gian qua và cả trong ngắn hạn sắp tới chỉ có thể kết thúc khi thế giới bước sang thập niên mới. Bởi vậy sang năm 2013 vàng vẫn có sức hút các nhà đầu tư và lấy lại vị thế là "nơi trú ẩn an toàn".
Lực đẩy giá vàng năm 2013 và những năm sau đó sẽ là diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên nhân núi nợ chồng chất của chính phủ các nước Phương Tây cũng như khu vực tư nhân và khối doanh nghiệp chưa thể sớm giải quyết.
Có một kịch bản để thoát khỏi gánh nặng này: giảm nợ. Nhưng những gì mà các nước đó theo đuổi trong những năm qua lại tạo thêm nợ, dẫn tới lạm phát cao hơn đáng kể, tạo cho vàng vẫn tiềm ẩn khả năng là thiên đường an toàn và nơi bảo toàn nguồn vốn của các nhà đầu tư.
Trong đợt lên giá của vàng trong thập niên 1970 mỗi ounce vàng đã tăng từ 35 USD trong năm 1968 lên 200 USD vào cuối năm 1974. Sau đó điều chẳng ai nghĩ tới đã xảy ra. Từ cuối năm 1974 đến giữa năm 1976 giá vàng giảm một nửa từ 200 USD/ounce xuống 100 USD/ounce. Nhiều nhà đầu tư vàng đã bán tháo và không bao giờ trở lại.
Nhưng rồi một chuyện nực cười đã xảy ra. Giá vàng bắt đầu tăng trở lại từ 100 USD/ounce vào giữa năm 1976 lên 800 USD/ounce vào tháng 1/1980. Và bất cứ ai đủ dũng khí giữ vàng ở mức 35 USD đã kiếm được số tiền gấp hơn 20 lần chỉ trong vòng 12 năm.
Hai mươi mốt năm sau thị trường đầu cơ giá lên lại tái xuất. Kể từ năm 2001 vàng bắt đầu thời hoàng kim và giờ đây dường như đang trên đường lập kỷ lục. Thống kê cho thấy kể từ năm 2001 lợi nhuận trung bình mà vàng mang lại là gần 18% trong suốt 11 năm qua.
Dựa trên cơ sở đó tâm lý lạc quan về giá vàng năm 2013 lại càng được củng cố. Kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg cho thấy tới quý IV/2013 giá vàng sẽ ở mức 1.925 USD/ounce. Ngân hàng BNP Paribas ước tính giá vàng sẽ chạm mức 1.865 USD/ounce vào năm tới. Hồi tháng 11/2012 Hiệp hội thị trường vàng Luân Đôn dự báo giá vàng sẽ ở mức 1.843 USD/ounce vào tháng 9/2013 và mức giá mà HSBC đưa ra cũng tương tự vào khoảng 1.850 USD/ounce.
Mạnh mẽ hơn, hãng khai thác vàng Newmont Mining của Mỹ đưa ra nhận định, giá vàng có thể tăng lên 2.550 USD/ounce. Mức giá, theo Deutsche Bank và Coutts, là 2.000 USD/ounce.
Hoàng Hà
thời báo ngân hàng
|