Thứ Sáu, 18/01/2013 13:54

Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Xin cơ chế thoái vốn

Thiếu cơ chế để thoái vốn ngoài ngành đang là lý do khiến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm thực hiện yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) sẽ phải thoái toàn bộ vốn đang đầu tư tại 13 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp đó có những cái tên đang rất được quan tâm như Công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Tài chính Hoá chất, Công ty cổ phần chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Đây được xác định là những khoản đầu tư ngoài ngành và như vậy Vinachem phải tất toán muộn nhất vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vinachem cho rằng, việc tuân thủ được thời gian thoái vốn là không hề đơn giản. Bởi, theo vị này, tình hình thị trường chứng khoán đang không ủng hộ việc thoái vốn theo nguyên tắc thị trường và phải song hành với yêu cầu bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước. “Mặc dù khoản đầu tư ra ngoài ngành của Vinachem chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư, song với tình hình này, chắc chúng tôi sẽ phải để lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến”, vị lãnh đạo này cho biết.

Đề nghị tương tự cũng đã được ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chính thức kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ngay tại Hội nghị Chính phủ với Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra vào giữa tuần này. “Chúng tôi đã có đề án tái cơ cấu được phê duyệt, đang triển khai thực hiện và hoàn tất việc xây dựng điều lệ. Chúng tôi đầu tư ra ngoài không nhiều, chưa đến 1% tổng đầu tư, nên cho phép làm từ từ để không bị mất vốn”, ông Phong kiến nghị.

Khoản 1% mà Vinafood 2 phải thoái, hiện đang có mặt ở 18 doanh nghiệp, trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm đến du lịch, vận tải biển… Mặc dù ông Phong không phân tích kỹ, song có thể thấy, trong thời điểm này, mong muốn bán hoà vốn so với mức giá mua vài năm trước là không thể. Với các kế hoạch thoái vốn thực hiện thông qua thị trường chứng khoán, thì nguyên tắc thị trường sẽ chi phối giá trị các thương vụ mua bán, chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp hay đánh giá trên sổ sách. Đó là chưa kể tình trạng bán không người mua đã xảy ra khá nhiều. Tâm lý chung của các vị lãnh đạo tập đoàn là e ngại trách nhiệm trong các tình huống này.

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nêu vấn đề, giả sử giá trị sổ sách là 17, nhưng thị trường chỉ chấp nhận mua với giá 7 - 8 thì có bán không? “Hiện việc thoái vốn rất khó nếu dựa trên giá trị sổ sách. Chúng tôi đề xuất bán theo giá thị trường để đảm bảo dòng tiền lành mạnh”, ông Phương nói.

Thực ra, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), mặc dù lộ trình, thậm chí phương án thoái vốn đã được nhắc tới, song có lẽ cần làm rõ cơ chế cho doanh nghiệp trong việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán suy giảm và mục tiêu đặt ra là thoái vốn hiệu quả.

Cơ chế ở đây, theo ông Phạm Tuấn Anh, là tạo khung khổ pháp lý để doanh nghiệp nhà nước có thể dựa trên đó để quyết định thời điểm, cách thức thực hiện thoái vốn. “Với những khoản đầu tư thuộc diện không hiệu quả theo một số tiêu chí, thì lãnh đạo doanh nghiệp có quyền “cắt lỗ”, còn với những khoản đầu tư ngoài ngành, nhưng đang có lợi nhuận thì có thể thực hiện chậm hơn, tuỳ theo tình hình thị trường…”, ông Tuấn Anh phân tích.

Điều quan trọng của cơ chế này, theo ông Tuấn Anh, chính là cần xác định cả tiêu chí để các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu nhà nước thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả của các kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Cho tới thời điểm Hội nghị Chính phủ với tập đoàn, tổng công ty nhà nước diễn ra, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong cả năm 2012 mới cổ phần hoá được 13 doanh nghiệp, 5 doanh nghiệp khác được sắp xếp theo hướng sáp nhập. Đây là lý do mà Ban Chỉ đạo khẳng định, việc thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và giảm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng nhà nước không cần nắm giữ đang thực hiện rất chậm.

Bảo Duy

đầu tư

Các tin tức khác

>   VTC bắt đầu “lột xác” (18/01/2013)

>   Thưởng Tết bằng bánh ngọt (18/01/2013)

>   Công Thương gợi ý Tài chính cách tính thuế xăng dầu (18/01/2013)

>   Ngân hàng nên “tiếp hơi” cho người nuôi cá tra (18/01/2013)

>   Thu hồi giấy phép sản xuất bia nếu 2 năm không triển khai (18/01/2013)

>   Giật mình với núi nợ (18/01/2013)

>   Buộc những “quả đấm thép” phải tiên phong (18/01/2013)

>   Chốt con số xuất siêu 780 triệu USD năm 2012 (18/01/2013)

>   Starbucks không dành cho người chuộng cà phê Việt (18/01/2013)

>   JICA hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý tài chính DN (17/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật