VTC bắt đầu “lột xác”
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút tái cấu trúc, sau khi Đề án “Tái cơ cấu VTC giai đoạn 2012 - 2015” được phê duyệt.
Đề án Tái cơ cấu VTC đã được xây dựng từ đầu năm 2012. Cuối tuần qua, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu VTC giai đoạn 2012 – 2015”. Theo quyết định này, mục tiêu của Đề án là đảm bảo VTC có cơ cấu hợp lý, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính: lĩnh vực truyền thông, kinh tế truyền thông, công nghiệp nội dung số; dịch vụ truyền hình và nội dung đa phương tiện, cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.
Một nhiệm vụ khá nặng nề mà VTC phải giải quyết ngay trong năm 2013 là đảm bảo đủ vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng theo Đề án đã được phê duyệt. Đến thời điểm này, vốn chủ sở hữu của VTC mới đạt 650 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, VTC phải rà soát lại quy mô sản xuất, kinh doanh, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính trình để cấp có thẩm quyền xem xét giải pháp bổ sung vốn điều lệ. Đồng thời, VTC phải hoàn tất thủ tục tham gia Dự án “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tái cấu trúc tài chính, xử lý các tồn tại về tài chính, nhằm ổn định kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, Đề án này sẽ là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính xem xét đưa VTC vào danh sách các doanh nghiệp xin vay vốn ưu đãi của ADB. Qua đó, VTC có thể dùng vốn vay để tăng vốn điều lệ.
Một nhiệm vụ nặng nề khác, đó là việc sắp xếp bộ máy, sáp nhập, rút vốn, giải thể tại các công ty thành viên cũng phải được gấp rút thực hiện trong năm 2013. Lãnh đạo VTC cho biết, những phần việc này đã được bắt đầu triển khai từ năm 2012.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc VTC, trong quá trình xây dựng Đề án, Hội đồng Thành viên của VTC đã đồng thời triển khai sắp xếp lại bộ máy trong phạm vi thẩm quyền của mình. Cụ thể, đã cho 7 đơn vị của VTC dừng hoạt động; tiến hành sáp nhập, rút vốn tại nhiều đơn vị trực thuộc; bố trí lại 396 lao động từ các phòng, ban chức năng, đơn vị có thay đổi về tổ chức.
Đối với việc thoái vốn, đại diện của VTC cho biết, Tổng công ty sẽ thoái vốn đã đầu tư tại 6 công ty cổ phần, gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ viễn thông Vina, Công ty cổ phần Điện tử và Truyền hình cáp (CEC), Công ty cổ phần Dịch vụ hợp tác quốc tế, Công ty cổ phần Phát triển truyền thông truyền hình (CTC), Công ty cổ phần Kinh doanh thiết bị và Truyền thông (EAC), Công ty cổ phần Dịch vụ truyền hình số VTC.
Bên cạnh đó, VTC sẽ rút quyền tham gia góp vốn và rút lại thương hiệu VTC tại 3 công ty cổ phần: Công ty cổ phần Truyền thông Hội An VTC, Công ty cổ phần Truyền thông và Truyền hình cáp Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Truyền hình cáp và Truyền thông VTC Lâm Đồng.
Đề án này cũng xác định Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC là cơ quan báo chí, trực thuộc Tổng công ty VTC, do Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản.
Theo ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VTC, VTC sẽ quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu đã được phê duyệt. “Trong quá trình tái cấu trúc, sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh, sẽ có nhiều động chạm, nhưng vì mục tiêu chung, các thành viên VTC cần đoàn kết để ‘chữa bệnh’ cho VTC”, ông Hải nhấn mạnh.
Hữu Tuấn
đầu tư
|