Thứ Năm, 03/01/2013 22:09

Tái cơ cấu DNNN năm 2013, ưu tiên hành động

Năm 2013, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty.

2015 là thời điểm các TĐ, TCT phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành

45 tập đoàn, tổng công ty có Đề án tái cơ cấu

Tái cơ cấu DNNN là một trong ba trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2015. Hơn 20 năm qua, quá trình cải cách DNNN đã được thực hiện với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp, cổ phần hoá DNNN còn chậm, chưa chặt chẽ; chức năng quản lý nhà nước và sở hữu nhà nước chưa được phân định rõ. Năng lực quản trị DN của nhiều DNNN vẫn còn hạn chế, chậm đổi mới và chưa vận dụng đầy đủ những nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Một số DN vi phạm các quy định của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản...

Trước tình hình đó, việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN là yêu cầu cấp bách. Để đạt yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” tại Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. Sau khi Đề án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT đã tích cực triển khai xây dựng cơ chế chính sách và Đề án tái cơ cấu cho từng DN.

Đến cuối năm 2012, cả nước có 75 TĐ, TCT hoàn thành xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó 45 TĐ, TCT đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách đã và đang dần được hoàn chỉnh như: Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN có vốn nhà nước...

Sẽ thúc đẩy quá trình thoái vốn của SCIC tại DN tiếp nhận không thuộc diện nhà nước cần nắm giữ vốn

6 giải pháp ưu tiên

Năm 2013, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là tái cơ cấu các TĐ, TCT. Để triển khai phương án tái cơ cấu hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt tập trung vào 6 nội dung sau:

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý DNNN để DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Ưu tiên hoàn thiện quy định về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; quy định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại các DN gắn với xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước có chức năng hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cổ phần hoá DNNN như: SCIC và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao (bao gồm cả các TCT mà Nhà nước giữ dưới 50% vốn sau cổ phần hoá). Thúc đẩy quá trình thoái vốn của SCIC tại DN tiếp nhận không thuộc diện nhà nước cần nắm giữ vốn.

Đẩy nhanh tái cấu trúc và nâng cao năng lực cho DATC theo hướng hình thành Tổng công ty xử lý nợ chuyên nghiệp, để tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ quá trình tái cơ cấu DNNN. Giao nhiệm vụ cho DATC chủ động tham gia hỗ trợ DNNN, nhất là các TĐ, TCT xử lý nợ và tham gia tái cơ cấu DN. Hoàn thiện cơ chế quản lý, tài chính tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho DATC hoạt động hiệu quả, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, tổ chức phân loại DNNN, tập trung đầu tư tăng cường năng lực vào một số lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ 100% cổ phần như: an ninh, quốc phòng; cung cấp những hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu... Đối với các DN còn lại sẽ cổ phần hóa với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cơ chế cổ phần hoá cần rà soát, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình cổ phần hoá, rút ngắn thời gian tổ chức triển khai, cũng như thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản trị DN sau cổ phần hoá như: điều chỉnh quy định chỉ thực hiện áp dụng Kiểm toán Nhà nước đối với các DN cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; quy định áp dụng cơ chế thuê đất đối với toàn bộ DN cổ phần hoá, ngoại trừ các DN kinh doanh hạ tầng, bất động sản mới thực hiện cơ chế giao đất; điều chỉnh quy định xử lý rõ trách nhiệm đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả chưa đối chiếu kịp thời tại thời điểm định giá; hướng dẫn rõ việc cổ phần hoá các TĐ, TCT có đơn vị sự nghiệp có thu...

Trong thời gian tới, cần sửa đổi Luật Phá sản và cơ chế giải thể DN theo hướng: cho phép cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phá sản bắt buộc đối với DN không đủ điều kiện tồn tại; bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu trong trường hợp DN bị giải thể, phá sản; đơn giản hoá thủ tục hành chính...

Thứ ba, tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tái cơ cấu các TĐ, TCT toàn diện từ mô hình tổ chức, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển, đến thị trường, sản phẩm... Nêu cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện quyền của chủ sở hữu. Gắn và làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ quản lý ngành trong việc tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế ngành đã được Chính phủ phê duyệt.

Tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Đầu tư, trong đó đặc biệt là cơ chế phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư để có giấy phép, khắc phục tình trạng đầu tư chồng chéo, tràn lan, kém hiệu quả..., để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa đổi Luật Đầu tư.

Thứ tư, thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà nhà nước không cần chi phối. Trường hợp các TĐ, TCT khó khăn trong thoái vốn, thì giao SCIC hỗ trợ, mua lại các khoản đầu tư này để các TĐ, TCT tập trung vào các giải pháp khác của quá trình tái cơ cấu theo Đề án được phê duyệt.

Thứ năm, hình thành tổ chức để thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN. Đổi mới quy trình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của DNNN. Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý, giám sát tài chính DN nhằm hướng tới quản lý nhà nước chuyên sâu về tài chính DN. Trước mắt, tăng cường năng lực cho Cục Tài chính DN (thuộc Bộ Tài chính), để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát DNNN theo phân công, phân cấp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong hoạt động DNNN trên cơ sở yêu cầu DNNN công khai minh bạch thông tin như các DN niêm yết trên TTCK.

Thạc sỹ Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thưởng Tết Quý Tỵ: Nơi nào thưởng 'khủng' nhất? (03/01/2013)

>   Doanh nghiệp kỳ vọng vào năm mới 2013 (03/01/2013)

>   Cửa hiệu Starbucks đầu tiên tại Việt Nam mở cửa tháng tới (03/01/2013)

>   Ly kỳ Coca Cola thâu tóm đối tác Việt (03/01/2013)

>   Năm 2013, bổ sung 16 nhà máy phát điện cạnh tranh (03/01/2013)

>   Tôm Việt Nam bị kiện chống trợ cấp ở Mỹ (02/01/2013)

>   Tái cơ cấu, Vinacafe phải thoái vốn tại nhiều công ty (02/01/2013)

>   Thị trường viễn thông vẫn như “nhà có nhiều con” (02/01/2013)

>   Tôm Việt Nam lại bị kiện ở Mỹ (02/01/2013)

>   EVN trả nợ hàng nghìn tỷ cho các 'ông lớn' (02/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật