Thứ Ba, 15/01/2013 17:00

Quốc tế hóa đồng NDT: Mối quan tâm của toàn cầu

Trung Quốc cần đảm bảo được tính ổn định và khả năng thanh toán của đồng Nhân dân tệ trước khi tiến hành kế hoạch quốc tế hóa đồng tiền này.

Đây là nhận định của giới chuyên gia tài chính về những thách thức của việc đưa Nhân dân tệ trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế đượcTân Hoa xã đăng tải ngày 14/1.

Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ chính là thách thức sự thống trị lâu đời của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Tại một cuộc hội thảo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 14/1 ở thủ đô Manila của Philippines, ông Barry Eichengreen - chuyên gia về kinh tế và khoa học chính trị thuộc Trường Đại học California, cho rằng Trung Quốc đã đạt được điều kiện đầu tiên trong ba điều kiện tiên quyết của tiến trình quốc tế hóa đồng nội tệ của mình, đó là quy mô. Hai điều kiện còn lại là khả năng thanh toán và tính ổn định.

Phát biểu tại hội thảo, ông Eichengreen nói: "Một đồng tiền được xem là có khả năng thanh toán quốc tế khi nó được sử dụng rộng rãi cả trong buôn bán tư nhân lẫn giao dịch tài chính, và được các ngân hàng trung ương dự trữ, nghĩa là phải đáp ứng đủ ba yếu tố cần và đủ là quy mô, khả năng thanh toán và tính ổn định."

Từng là cố vấn cao cấp về chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Eichengreen nhận xét rằng Trung Quốc mới đáp ứng được điều kiện tiên quyết đầu tiên là quy mô sử dụng đồng Nhân dân tệ. Khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, quy mô sử dụng đồng Nhân dân tệ là khá lớn. Song điều đó chưa đủ.

Ông Eichengreen dẫn chứng về trường hợp kinh tế Mỹ năm 1913, khi đó đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng đồng USD vẫn chưa đủ mạnh để đánh bật đồng Bảng Anh, để được chọn là đồng tiền thanh toán quốc tế. Kinh tế Mỹ thời kỳ đó cũng không đáp ứng được hai điều kiện còn lại là khả năng thanh toán và sự ổn định để có thể quốc tế hóa đồng "bạc xanh" của mình. Và nền kinh tế Trung Quốc, theo chuyên gia Eichengreen, hiện đang trong tình thế tương tự.

Kinh tế tăng trưởng nhanh đã khuyến khích các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc xúc tiến kế hoạch đưa Nhân dân tệ trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế bằng cách khuyến khích sử dụng đồng Nhân dân tệ trên thị trường nước ngoài.

Chẳng hạn, Trung Quốc cho phép các công ty trong nước sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán cho các hoạt động mậu biên, hay cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các quỹ tính bằng đồng Nhân dân tệ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã lần lượt ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với một số nước như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) đã thành lập Tổng Cục quốc gia về Ngoại hối (SAFE), có chức năng quản lý và giám sát các khoản cho vay ký gửi bằng dự trữ ngoại tệ nhằm hạn chế sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ.

Trung Quốc tuy đã mở cửa thị trường tài chính nhưng ông Eichengreen cho rằng khả năng thanh toán của đồng Nhân dân tệ vẫn là một thách thức lớn do quy mô thị trường trái phiếu của nước này hiện vẫn nhỏ và tổng giá trị giao dịch cũng thấp, trong khi khả năng thanh toán luôn là mối quan tâm chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới khi xem xét loại tiền mà họ dự trữ.

Đề cập đến tầm quan trọng của sự ổn định, chuyên gia này cho rằng sự ổn định đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo môi trường đầu tư bền vững trong khi đây vẫn là thách thức đối với Bắc Kinh.

Trước sự chững lại của đồng euro do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Eurozone và kinh tế Mỹ phục hồi chậm, giới phân tích đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có nắm được thời cơ này để tiến hành cải cách chính sách một cách tổng thể nhằm củng cố sự ổn định và phát triển thị trường tài chính, qua đó hỗ trợ kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ như Chính phủ Mỹ đã từng thực hiện khi cho ra đời Luật Dự trữ liên bang vào năm 1913.

Với đạo luật này, Mỹ bắt đầu hành động như một nhà cho vay tài chính khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) mua và bán đồng USD, từ đó hình thành một thị trường tiền tệ và tạo dựng sự ổn định. Và chỉ trong vòng 10 năm, Mỹ đã biến đồng "bạc xanh" của mình thành đồng tiền mạnh nhất, trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, đồng thời New York đánh bật London để "soán ngôi trung tâm tài chính thế giới."

Nhắc lại bài học kinh nghiệm trên, chuyên gia Eichengreen kết luận rằng về lý thuyết, Trung Quốc có thể phải trải qua một giai đoạn ngắn hạn là 10 năm để thực hiện kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, và việc Nhân dân tệ có trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế hay không là mối quan tâm không chỉ của Bắc Kinh mà của cả thế giới.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Ba thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Indonesia (15/01/2013)

>   OECD: Triển vọng kinh tế toàn cầu đã sáng sủa hơn (15/01/2013)

>   Canada tăng cường đầu tư mạo hiểm hỗ trợ tư nhân (15/01/2013)

>   “Tham bát bỏ mâm" (15/01/2013)

>   Singapore tiếp tục kiềm chế bất động sản (15/01/2013)

>   Ông Obama cảnh báo một khủng hoảng kinh tế mới (15/01/2013)

>   HSBC: Kinh tế các thị trường mới nổi bật dậy trong quý 4/2012 (14/01/2013)

>   Nhật Bản mạnh tay giảm giá đồng Yên (14/01/2013)

>   Mỹ không đúc đồng xu nghìn tỷ đô (14/01/2013)

>   "Nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc trong năm 2013" (13/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật