“Phải xấu hổ khi ngửa tay lấy đồng tiền như vậy”
“Tại sao năm nào cũng có quy định cấm chúc Tết nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy, vấn đề không nằm ở chỗ ra quy định, mà nằm ở người lãnh đạo có quyết tâm thực hiện đúng quy định đó hay không”.
Trên đây là ý kiến của Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc UBTWMTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM khi trả lời phỏng vấn của Infonet.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
|
Chia sẻ thêm về vấn đề tặng quà, chúc Tết lãnh đạo, Luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết: “Thực tế việc này thể hiện mối quan hệ giữa người với người, nếu mọi người đến với nhau bằng tình cảm thì đó là chuyện hoàn toàn bình thường”.
Để việc tặng quà trong dịp này dừng lại ở mức độ thể hiện một nét đẹp trong văn hóa ứng xử ngày Tết, thì gói quà chỉ nên ở mức độ vừa phải như gói bánh, chai rượu, “không ai mang 10.000 USD đi thể hiện tình cảm cả”.
Ông Lê Hiếu Đằng cũng cho biết, nhiều năm trước việc dùng quà cáp có giá trị để chúc Tết đã có, nhưng gần đây mới trở nên phổ biến và hình thành dư luận xấu. Một nét văn hóa bị biến tướng, ngày Tết vô tình trở thành thời điểm hợp thức hóa việc “mua chuộc tình cảm một cách tinh vi”.
Ngoài ra đây cũng là một cách “mua quan hệ” để lo xa, vì việc này có thể chưa mang lại lợi ích trực tiếp nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền ra, vì “tin rằng có thể thu hồi vốn” từ những vị trí họ có thể có được sau khi biếu xén. Một dây chuyền bắt đầu được tạo nên.
“Bản thân tôi khi còn đương nhiệm chưa từng đi chúc Tết với dụng ý này nọ. Tôi chỉ đi cùng cơ quan qua chúc Tết UBND TP, HĐND TP và đến thăm những gia đình cách mạng, những người đã nuôi giấu mình trong kháng chiến” – ông Lê Hiếu Đằng |
Ông tiếp tục: “Các vị đã nhận tiền sẽ phải làm gì đó cho người đưa tiền, đúng sai cũng phải làm”, sự ràng buộc này khiến nhiều người nảy sinh suy nghĩ “không có tiền không làm được việc”, vì thế đưa tiền để giải quyết công việc trở thành một thứ “luật bất thành văn”.
Giải thích lý do xuất hiện suy nghĩ này, ông cho rằng có một phần do ảnh hưởng từ tình trạng tham nhũng lan tràn hiện nay. Để giải quyết, “chúng ta phải có cơ chế chống tham nhũng hiệu quả, phải làm cho những người tham nhũng sợ thật sự, ngay cả khi đã về hưu vẫn có thể bị truy tố”. Khi phát hiện người nào lợi dụng dịp này đưa, nhận tiền phải nghiêm trị để làm gương.
Ông cũng cho biết, việc này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Đảng, bởi đa phần những người được hối lộ đều là quan chức, mà phần lớn quan chức là Đảng viên. “Những người này phải thấy xấu hổ khi ngửa tay lấy những đồng tiền như vậy” – Luật gia Lê Hiếu Đằng nhấn mạnh.
Nhận xét về những quy định “cấm chúc Tết” hiện nay, ông cho rằng nó không hiệu quả, vì “bản thân những người ra quyết định cũng không tin rằng nó sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh”.
Ông cũng nhắn gửi những người muốn lợi dụng dịp này biếu quà rằng: “Xã hội còn rất nhiều người nghèo khó, hãy dùng những đồng tiền đó giúp họ. Chúc Tết để hối lộ là đi ngược lại đạo lý, làm hư quan chức. Mọi người cần có lòng tự trọng, hãy đi lên bằng năng lực, phẩm chất của mình, việc dùng quà cáp để tạo quan hệ sẽ không bền, thậm chí là phạm tội.
Nguyễn Cường
infonet
|