Nông dân lại khiếu kiện đòi tiền bồi thường vụ Vedan
Theo Hội nông dân THCM mặc dù đã qua hơn hai năm sau khi Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan) trả tiền bồi thường cho các hộ dân tại khu vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Cần Giờ,TPHCM nhưng đến nay vẫn có một số hộ dân vẫn còn khiếu kiện đòi tiền bồi thường và hiện cơ quan điều tra đang tiến hành các bước để xác minh vụ việc.
Phía Hội nông dân TPHCM từ chối đưa ra con số có bao nhiêu hộ dân đang khiếu kiện mà cho biết đã tiếp nhận đơn và cùng cơ quan điều tra đang xác minh lại thông tin.
Về mặt pháp lý thì đây là vụ việc mà Hội nông dân TPHCM phải giải quyết. Lý do, theo biên bản bồi thường mà Vedan ký với Hội nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM có điều khoản, các các khiếu nại, khởi kiện về bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường phát sinh sau khi đã thực hiện việc bồi thường sẽ không thuộc trách nhiệm giải quyết của Vedan.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện pháp lý cho nông dân Cần Giờ trong vụ kiện Vedan cho biết, đúng là hiện nay đang có một số hộ nông dân khiếu kiện để mong được đền bồi thường từ số tiền mà Vaden đã bồi thường trước đây.
Theo ông Hậu, trường hợp thứ nhất khiếu kiện là những chủ đất trước đây đã bán (sang giấy tay) khu vực canh tác cho người khác nhưng sau đó người mua được xác định là bị ảnh hưởng bởi chất thải từ Vedan nên được Hội nông dân Cần Giờ bồi thường, giờ những chủ này quay ra khiếu nại với lý do họ là chủ đất nên phải trả tiền bồi thường cho họ chứ không phải chủ sau này (người mua đất bằng giấy sang tay).
Ngoài ra, cũng có một số hộ dân trước đây được yêu gọi liệt kê thiệt hại nhưng sau đó không được bồi thường. Vào thời điểm trước khi làm hồ sơ kiện Vedan đã có hơn 2.000 hộ dân liệt kê thiệt hại nhưng sau đó chỉ có 639 hộ dân ( được Viện Môi trường-Tài nguyên TPHCM xác định nằm trong vùng bị thiệt hại) được nhận bồi thường, số còn lại không được bồi thường nên quay sang khiếu kiện.
Trường hợp thứ hai là một số hộ dân có hộ khẩu ở Đồng Nai nhưng sang địa phận huyện Cần Giờ nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
”Theo thống nhất giữa chính quyền Đồng Nai và TPHCM thì những hộ dân này sẽ nhận tiền bồi thường từ số tiền mà Vedan trả cho Đồng Nai. Hiện tôi đang có trong tay những văn bản nói về vấn đề này giữa hai bên”, ông Hậu nói.
Tuy nhiên, trên thực tế mấy chục hộ nông dân có hộ khẩu ở Đồng Nai đến nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Cần Giờ nói trên đến nay vẫn chưa được nhận tiền. Ông Hậu tạm thời đưa ra giả thiết là có thể sau khi kết thúc vụ Vedan người phụ trách vấn đề này ở Đồng Nai đã về hưu và giao lại cho một số người khác nên có thể mới xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Huy Lượng, Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho biết, hiện hội vẫn chưa nhận được đơn của những hộ dân này nên chưa có bình luận gì.
Ông Lượng cho biết, cách giải quyết nhanh nhất là những hộ dân này cứ gởi đơn khiếu nại trực tiếp đến Trung tâm môi trường nông thôn thuộc Hội nông dân Việt Nam để nhờ điều tra. Ông Hậu cũng cho biết, hiện cơ quan điều tra cũng đã tiến hành điều tra để xác định vụ việc.
Vào thời điểm Vedan có văn bản chấp nhận trả tiền bồi thường số tiền gần 220 tỉ đồng cho những hộ nông dân bị thiệt hại, Hội nông dân Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM đã từng tuyên bố sau khi nhận được tiền sẽ chia hết cho các hộ dân theo kết quả thiệt hại đã được Viện Môi trường-Tài nguyên TPHCM đưa ra.
Tuy nhiên, nếu đặt trong trường hợp những khiếu kiện của người dân được xác định là đúng thì nguồn tài chính ở đâu để trả. Về vấn đề này, ông Lượng cho biết, không lo về điều đó vì vẫn còn nguồn tài chính vì chưa chắc số tiền mà Vedan bồi thường đã được trả hết.
”Nếu người dân có đơn khiếu kiện và được chứng minh là đúng thì sẽ có tiền để trả”, ông Lượng khẳng định.
Sau một thời gian bị bắt quả tang xả nước thải ra sông Thị Vải và bị nông dân của ba tỉnh thành nói trên kiện, cuối cùng, vào đầu tháng 8-2010 Vedan đã chấp nhận bồi thường tổng số tiền gần 220 tỉ đồng, trong đó cho người dân Đồng Nai hơn 119,5 tỉ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 53,6 tỉ đồng, TPHCM là 45,7 tỉ đồng và khoảng 2 tỉ đồng chi phí cho các bên đại diện nông dân theo đuổi vụ kiện. Số tiền này đúng bằng số tiền mà Viện Môi trường-Tài nguyên TPHCM đưa ra sau khi giám định kết quả gây ô nhiễm của Vedan trên sông Thị Vải. |
Ngọc Hùng
tbktsg
|