Những cung bậc cảm xúc của xuất siêu
Nhìn lại các mốc “tròn” càng trân trọng cột mốc xuất khẩu (XK) 100 tỷ USD. Từ ngày cả nước thống nhất đến năm 1988, XK mới vượt mốc 1 tỷ USD. Sau 11 năm - 1999 mới vượt 10 tỷ USD, từ đó lên 100 tỷ USD chỉ 13 năm.
Xuất khẩu năm 2012 ước đạt 114,6 tỷ USD, so với năm 2011 tăng 18% (mục tiêu 13%) tương đương 18 tỷ USD. Chỉ riêng mức tăng trị số tuyệt đối nói trên đã suýt soát tổng kim ngạch XK 2 năm 1997 (9,1 tỷ USD) + năm 1998 (9,3 tỷ USD). Trong bối cảnh khó khăn thì kết quả XK của 2012 tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc, đậm nét với 2 điểm sáng: Lần đầu tiên vượt một cách đĩnh đạc mốc 100 tỷ USD và cũng lần đầu tiên sau 20 năm xuất siêu (XS).
Bức tranh toàn diện
Điều ghi nhận đầu tiên là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, nhân điều, cao su với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng được cải thiện, duy trì vị thế cao trên thương trường quốc tế.
Năm 2012 ước XK được 8 triệu tấn gạo, thứ 2 thế giới sau Ấn Độ. Gạo Việt Nam được ưa chuộng vì gặt hái xong bán liền, thiên hạ luôn được “ăn cơm mới”. Cà phê đã vượt qua Brazil, Colombia giành ngôi đầu. Hạt tiêu vẫn giữ ngôi “quán quân” thế giới, chiếm khoảng 40 -50% lượng hồ tiêu giao dịch toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản suất cao su thiên nhiên và đứng thứ 4 về XK cao su.
Năm 2012 có 22 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong khi năm 2000 chỉ có 4 mặt hàng. Năm đó dầu thô đứng đầu chỉ có 3,5 tỷ USD, đến năm 2012 đứng đầu là dệt may đạt 15 tỷ USD.
Như vậy, không chỉ vượt trội về số lượng gương mặt mà từng gương mặt đều sáng giá. Sự tăng trưởng các mặt hàng thuộc khối nông nghiệp - nông thôn, đã khiến cho khối này suất siêu tới 10 tỷ USD.
Trong số những gương mặt "sáng sủa", mặt hàng công nghệ chế biến ghi một điểm vàng khi tăng trưởng cao, thậm chí máy ảnh, máy quay phim và linh kiện bằng 2,5 lần 2011.
Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2012 là 64,4% trong tổng kim ngạch XK. Theo đà này, lộ trình thực hiện mục tiêu trong Chiến lược tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2010 là 40,1% lên 62,9% vào năm 2020, đã đi trước thời gian.
Trong khi nhiều mặt hàng tăng trưởng thì than đá, quặng và các loại khoáng sản lại giảm, khiến tỷ trọng của nhóm Nhiên liệu và khoáng sản trong tổng cấu thành XK năm 2012 chỉ còn 10,2%. Theo lộ trình Chiến lược nói trên - tỷ trọng của nhóm hàng này sẽ giảm từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020, đang được thực hiện.
Không chỉ tăng về số lượng mà còn có độ lan tỏa rộng. Năm 2000 mới có 160 thị trường, năm 2012 con số này tới trên 200, trong đó, xác lập được một số đối tác hợp tác, chiến lược, toàn diện.
Năm 2012 có 24 thị trường Việt Nam XK từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó TOP đầu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiếp đến 20 thị trường gồm: 8 thuộc Châu Âu, 10 thuộc Châu Á, 1 thuộc Châu Mỹ, 1 thuộc Châu Đại Dương là Úc. Trong số 24 thị trường XK nói trên, Việt Nam xuất siêu (XS) với kim ngạch đáng kể vào các thị trường Mỹ và 7 thị trường thuộc Châu Âu, 5 thuộc Châu Á và Úc. Xứng danh là thị trường XK và cũng XS hàng đầu của Việt Nam, năm 2012, XK vào Hoa Kỳ bình quân 1,6 tỷ USD/tháng, gấp đôi tổng kim ngạch của cả nước năm 1987 (1987: 854 triệu USD).
Năm 2012, kim ngạch NK tăng 7% so với năm 2011, với những diễn biến hợp lý. Nhóm hàng cần NK chiếm tỷ trọng áp đảo, khoảng 88% %. Nhóm hàng cần phải kiếm soát thu mình chỉ còn 4%. Nhóm hàng hạn chế NK gần 5%. Còn lại nhỏ nhoi là Nhóm hàng hoá khác. Trong các mặt hàng NK thường được dư luận “quan tâm” như ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc, đá quý, kim loại quý & sản phẩm...đều sụt giảm nhiều so với năm ngoái.
Thời cơ mới
Việc năm 2012 XK nối dài mạch tăng trưởng trong những năm qua cả về quy mô, tốc độ và thị trường, tiếp tục là một điểm sáng, mang nhiều ý nghĩa. Nó tiếp tục tác động sâu sắc đến tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tất cả hợp sức tạo sung lực cho nền kinh tế vượt khó, vững bước trong hành trình hội nhập và phát triển.
Do sự thăng tiến của XK nhanh hơn mức tăng của NK, nên cán cân thương mại hài hoà nhất từ trước tới nay, cả năm đã XS 284 triệu USD .
Tuy vậy, do trị giá XS quá nhỏ, bằng 0,25% kim ngạch XK, nên chỉ nên coi cán cân thương mại là tạm cân bằng. Vì thế không vội mừng mà cần cảnh giác bởi năm nay NK khiêm tốn do việc NK một số nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng có vẻ trầm lắng do có cơ sở phải thu hẹp sản xuất, có công trình phải hoãn dãn tiến độ. Điều này sớm muộn sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ sản xuất mới, nguồn hàng XK của năm sau.
Vì vậy, một mặt phải đẩy mạnh XK, mặt khác vừa tăng cường quản lý NK “truyền thống” đôí với hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng trong nước đã sản xuất được, vừa chú trọng đến việc các mặt hàng cần NK để đưa về những nguyên, vật liệu thiết yếu, những máy móc thiết bị tiến tiến phục vụ cho sản xuất và cải thiện trình độ tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tăng cường năng lực sản xuất hàng XK, nhiều hàng hoá có giá trị gia tăng cao. Đó mới đích thị là nền NK lành mạnh, cân bằng cán cân thương mại bền vững.
Năm 2012 có chuyển động mạnh trong việc tham gia khu vực thương mại tự do. Đó là vừa đẩy mạnh thực thi các hiệp định có hiệu lực vừa khởi động các vòng đàm phán với các đối tác lớn. Động thái này sẽ mang lại cơ may cho XK vì hàng Việt Nam vào các thị trường đối tác có Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan và phi thuế quan. Thuận lợi được nhân lên khi Việt Nam có thể NK được nhiều máy móc, thiết bị công nghệ gốc từ những nền kinh tế hàng đầu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bất cứ thoả thuận nào cũng có tinh hai mặt, thoáng cửa ra, cũng phải mở toang cửa vào. Song “cân - đong” hai mặt, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nếu chủ động nắm thời cơ và nhanh nhạy đối phó với rào cản, chúng ta sẽ vượt qua và phát triển.
Bước vào 2013, dự báo thị trường thế giới chậm được cải thiện, tiềm ẩn những diễn biến khó lường, hành trình tiến tới sự công bằng trong thương mại quốc tế còn gập ghềnh Trong nước đã có thế và lực mới nhưng phía trước vẫn còn khúc mắc chưa được khắc phục triệt để.
Nhưng khó khăn có mầm mống từ trước, nay càng bộc lộ rõ. Thường ra cuối năm việc XK cá tra tăng vì các nhà NK phải chuẩn bị cho nhu cầu rộ lên vào dịp Noel và Tết dương lịch. Nhưng năm nay thì việc XK mặt hàng thuỷ sản đầu vị này xem chừng đuối sức, có tới 7 trong số 8 thị trường chủ lực NK cá tra của Việt Nam giảm sút đáng kể.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều nhà NK dệt may của Việt Nam ở các thị trường truyền thống rút bớt đơn hàng, nhiều nhất là EU. Bên cạnh đó, do khủng hoảng khu vực EU khiến đồng euro biến động, mất giá liên tục mà hàng dệt may của Việt Nam xuất đi EU giao dịch bằng euro nhưng đa số DN NK nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... phải thanh toán bằng USD. Sự chênh lệch tỷ giá khiến không ít DN XK dệt may càng khốn khó.
Những khó khăn nói trên sẽ lây lan sang năm 2013 đòi hỏi phải nỗ lực, tỉnh táo hơn để có được kết quả khả quan hơn trong năm mới.
Nguyễn Duy Nghĩa
vietnamnet
|