Thứ Hai, 31/12/2012 13:42

Nhiều giải pháp, ít hiệu quả

Đứng trước nguy cơ tiếp tục tình trạng trì trệ của nền kinh tế 2013, ngay từ thời điểm này, Chính phủ đã khiến thị trường phần nào lạc quan khi liên tục công bố nhiều chính sách lớn để giải cứu nền kinh tế.

Nhận được hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp còn cần nhiều hơn thế

Cụ thể, Bộ Tài chính đã công bố 21 nhóm giải pháp về tài chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Bộ cũng sẽ hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty Mua bán nợ và Tài sản Tồn đọng (DATC) để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và nợ động các ngân hàng thương mại.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố ngay trong quý II và III năm sau sẽ tung ra khoảng 100.000 - 150.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu, ngoài ra sẽ cung ứng khoảng 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ người mua nhà với lãi suất thấp khoảng 8%/năm, thời hạn 5-10 năm.

Một điểm mới trong gói phải pháp lần này là Bộ Tài chính đã quyết định áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% ngay từ tháng 7.2013 đối với một số đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp 10% thuế đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội, tức sớm hơn tới 6 tháng so với lộ trình dự kiến. Chính sách này hy vọng sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, vừa thu hút được thêm vốn FDI vừa kích thích được các doanh nghiệp trong nước thành lập mới.

Điểm mới khác là sẽ giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất và tăng thuế đối với các mặt hàng trong nước sản xuất được. Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất cũng như bảo vệ được một số công ty trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tuyên bố sẽ giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi. Đây có thể xem là chủ trương đúng đắn để giảm bớt áp lực chi phí cho các doanh nghiệp vận tải, gián tiếp tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp khác và có thể phần nào kích cầu ôtô trong nước.

Về thị trường bất động sản, Bộ Tài chính đã dành hẳn 9 giải pháp để giải cứu, trong đó chủ yếu là miễn giảm thuế, tiền thuê đất, dùng ngân sách nhà nước mua lại nhà ở làm quỹ nhà. Chính sách này cùng biện pháp kích cầu sức mua từ phía Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản ấm lên dần. Tuy vậy, có lẽ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải nêu tiêu chí cụ thể để xác định đối tượng nào được nhận hỗ trợ, tránh lãng phí ngân sách.

Ngoài những nét mới, một số chính sách khác vẫn còn gây nhiều hoài nghi về hiệu quả tác động. Ví dụ, về công cụ giảm và giãn thuế, biện pháp từng được áp dụng ngay trong năm 2012 theo Nghị Quyết 13 của Chính phủ nhưng dường như tác động không lớn. Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nếu thử chia 11.000 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng được gia hạn cho hơn 190.000 doanh nghiệp thì trung bình mỗi doanh nghiệp được tạm thời giữ lại 60 triệu đồng, con số đó làm được gì? Thuế thu nhập doanh nghiệp gia hạn hơn 3.000 tỉ đồng, chia bình quân, mỗi doanh nghiệp được hưởng 43 triệu đồng. “Nếu chỉ làm gia hạn mà doanh nghiệp phải tốn kém thời gian đi làm thủ tục thì có đáng không?”, ông nói.

Trao đổi với NCĐT, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp nhưng còn quá sớm để lạc quan. “Tuy đã có định hướng khá rõ nhưng lộ trình và các bước đi vẫn chưa cụ thể và cần phải minh bạch thông tin hơn nữa cho người dân được biết”, ông nói.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ tuy đáng phấn khởi nhưng chưa giải quyết được vấn đề căn bản của doanh nghiệp, thậm chí có thể tác động sai đối tượng. “Vẫn thiếu cơ chế để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển được, những gói giải cứu như thế giống như thấy người bệnh sốt thì cho uống thuốc giảm sốt mà thôi”, ông Hưng ví von.

Trên một khía cạnh khác, hiện các doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước một số chính sách khác đi ngược lại với quan điểm hỗ trợ của chính phủ. Đơn cử là việc tăng giá điện, mặt hàng đã tăng 5% ngay sau khi CPI tháng 12 công bố và tiếp tục sẽ tăng thêm 11-13% trong 2013 theo kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo ông Hưng, các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục khoanh nợ cho các doanh nghiệp, tạo thêm sức cầu lớn và nhất là không tăng thêm thuế phí cũng như có lộ trình rõ ràng về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Chính phủ nên ưu tiên chính sách khơi thông thị trường đầu ra cho ngành sản xuất. Giải quyết các tồn tại của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém để nhanh chóng kéo lãi suất xuống”, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thép Việt, cho biết

Sơn Thanh

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Lỗ hổng chống chuyển giá nhìn từ Keangnam (31/12/2012)

>   Khó xử lý doanh nghiệp nước ngoài "bỏ trốn" (31/12/2012)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được vay ngoại tệ (31/12/2012)

>   Việt Nam không trợ cấp cho ngành tôm (31/12/2012)

>   Kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm đạt 2,25 tỷ USD (30/12/2012)

>   Duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (30/12/2012)

>   Việt Nam “về đích” năm 2012 với kỳ tích xuất siêu (30/12/2012)

>   Bí quyết hút ngoại tệ từ văn hóa kinh doanh (30/12/2012)

>   Nhà thiếu tiền, có dám mua sắm? (29/12/2012)

>   Xuất khẩu năm 2012: Doanh nghiệp FDI thắng thế (29/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật