“Ngổn ngang” chuyện phát hành cổ phần dưới mệnh giá
Kênh chứng khoán đang ghi nhận một số doanh nghiệp (DN) như Gỗ Trường Thành (TTF), Đệ Tam (DTA), Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Thái Hòa Việt Nam (THV), Hàng Hải Sài Gòn (SHC) có phương án bán cổ phần dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).
Cụ thể, TTF dự định bán với giá 5.000 đồng/cổ phần; DTA sẽ có giá không thấp hơn 7.000 đồng/cổ phần, THV thì bán 6.000 đồng/cổ phần, SHC bán 3.000 đồng/cổ phần.
Không cần phân tích cũng biết các DN trên muốn bán cổ phần dưới mệnh giá đơn giản là vì thiếu tiền. Soi các báo cáo tài chính của họ cho thấy dòng tiền thực dù chưa đến mức âm nhưng tiền và các khoản tương đương như tiền đều ở mức báo động, cần bổ sung vốn. Tuy nhiên, các phương án trên chưa được thông qua vì có ý kiến lo ngại về xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn-nhỏ.
Lãnh đạo TTF cho biết khi phát hành cổ phần dưới mệnh giá cho cổ đông hiện hữu thực chất là cho cổ đông góp vốn thêm vào công ty theo nghĩa vụ và lợi ích bằng nhau. Nhưng các trường hợp khác thì không như vậy.
Phương án phát hành 2 triệu cổ phần phổ thông giá 3.000 đồng/cổ phần của SHC bị đại hội cổ đông phủ quyết vì có xung đột lợi ích. Qua phân tích cho thấy nếu việc này thành công, SHC vẫn ghi nhận tăng thêm vốn điều lệ 20 tỉ đồng nhưng lại phải ghi nhận lỗ 14 tỉ đồng do thực thu bán cổ phần chỉ 6 tỉ đồng. Tranh cãi ở chỗ khoản lỗ này sẽ được giảm trừ vào các quỹ và thặng dư lợi nhuận khác của công ty. Cho nên, nếu phương án trên được thông qua thì cổ đông lớn được lợi còn cổ đông nhỏ phải chịu thiệt.
Việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá đang khiến nhiều DN đau đầu, chưa giải quyết dứt điểm dù có DN được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “bật đèn xanh” như TTF và trước đó là TRI. Khi thị trường khó, DN cần vốn hoạt động thì việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá cần được cơ quan quản lý tháo gỡ tích cực hơn.
B.NHƠN
pháp luật tphcm
|