Ngân hàng TPHCM: Bước chuyển 2013 - khó khăn còn rất lớn
Trong tình hình biến động thị trường tài chính của năm vừa qua, ý kiến của lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng, hệ thống ngân hàng nên cạnh tranh lành mạnh, nên chia sẻ với nhau để chấn chỉnh hoạt động hệ thống ngân hàng đi vào lề lối, cần thống nhất trong hành động, vì cái khó của ngân hàng này cũng có thể tác động đến ngân hàng khác.
Ngày làm việc cuối năm 2012, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với các NHTM trên địa bàn thành phố. Ông Tô Duy Lâm – Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là năm khó khăn rất lớn đối với hoạt động ngân hàng. Tổng cầu suy giảm gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kéo theo đó là tồn kho lớn, nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng, đến thanh khoản của hệ thống, gây ách tắc tín dụng và làm ngưng trệ dòng chu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng nên cạnh tranh lành mạnh
|
Cũng vì lẽ đó, tăng trưởng tín dụng âm trong 5 tháng đầu năm, song thanh khoản của một số TCTD vẫn căng, biểu hiện ở chỗ lãi suất luôn trong xu thế vượt trần. Đặc biệt, những tồn tại trong nhiều năm trước đây bộc lộ, mà đỉnh điểm là sự cố ACB liên quan đến vụ án của các cán bộ lãnh đạo cao cấp trong ngân hàng này, cùng hiệu ứng từ những sự cố liên quan đến Sacombank (STB) đã làm cho thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn biến động mạnh và diễn biến phức tạp. Tâm lý nhà đầu tư và người dân bất an.
Mặc dù vậy, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng huy động vốn cả năm tăng 9%, dư nợ tín dụng tăng 7,5% so với năm 2011. Trong đó hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, đặc biệt là chính sách tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên đã được thành phố triển khai bằng chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn.
Chỉ tính riêng dư nợ cho vay 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 81.518 tỷ đồng, tăng 62,8% so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện, với 23.000 DN vay vốn tín dụng ngân hàng lãi suất 13%/năm. Tuy nhiên, nội lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng và bị hạn chế nhiều bởi nợ xấu, hiệu quả hoạt động giảm, cả năm 2012 kết quả kinh doanh dự tính chỉ đạt 30% so với năm 2011.
Ông Trần Minh Tuấn – Phó thống đốc NHNN cho biết, năm 2013 ngành Ngân hàng có thể phải đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn để lại khi gần 20 năm qua nền kinh tế tăng trưởng nóng và phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng. Trong 20 năm đó lượng tiền đã đổ vào nền kinh tế vô cùng lớn nên lạm phát rất cao. Những yếu kém của nền kinh tế vĩ mô đã bộc lộ khi bị ảnh hưởng của “bão tài chính thế giới” và ngành ảnh hưởng trực tiếp trước tiên là ngân hàng.
Trong tình hình biến động thị trường tài chính của năm vừa qua, ý kiến của lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng, hệ thống ngân hàng nên cạnh tranh lành mạnh, nên chia sẻ với nhau để chấn chỉnh hoạt động hệ thống ngân hàng đi vào lề lối, cần thống nhất trong hành động, vì cái khó của ngân hàng này cũng có thể tác động đến ngân hàng khác.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho biết, một trong những việc làm được trong năm qua của OCB là chấn chỉnh rất nghiêm túc những tồn tại trong quá khứ và đây là một trong những mục tiêu trong hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới. Tính đến hết năm 2012 hầu hết các chỉ tiêu đều đạt, chỉ trừ lợi nhuận chỉ đạt 60% kế hoạch đề ra.
Kết thúc năm 2012 mặc dù những khó khăn cơ bản vẫn còn, nợ xấu, hàng tồn kho, khó khăn từ thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản và tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô chưa bền vững. Song với kết quả lạm phát dưới 7%, tăng trưởng GDP 5,03%, thị trường ngoại tệ ổn định, xuất siêu, thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất giảm và dần ổn định, hoạt động tín dụng đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Năm 2013 nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó còn tiềm ẩn những yếu tố làm biến động và bất ổn kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hệ thống ngân hàng đã giảm được lãi suất cho vay, từ mức 17-19%/năm đến nay chỉ còn 12%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên và đồng hành cùng với UBND trong các chương trình hỗ trợ vốn của thành phố.
Bà Hồng cũng cho rằng, các TCTD trên địa bàn cần quyết tâm cao bằng hành động, bằng giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh bằng việc xử lý hiệu quả nợ xấu, tăng trưởng tín dụng hiệu quả để kích thích phát triển kinh doanh, phát triển dịch vụ và hạn chế nợ xấu phát sinh. Các TCTD cần chủ động cơ cấu lại hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả hoạt động, đổi mới và nâng cao trình độ quản lý, quản trị kinh doanh của mình để có thể ổn định và phát triển bền vững.
Anh Quang
thời báo ngân hàng
|