Thứ Hai, 31/12/2012 11:46

Tỷ giá ổn định: Kiều hối bán lại cho ngân hàng tăng

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa đưa ra dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt từ 10 – 11 tỷ USD (tăng khoảng 15 – 20% so với năm 2011) và tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua.

Đối tượng đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối năm nay đến từ hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài và đặc biệt là 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và khu vực Trung Đông.

Kinh tế khó khăn nhưng kiều hối vẫn tăng

Thông thường, từ Quý III đến Tết Nguyên đán là thời điểm lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh so với các tháng còn lại trong năm. Sở dĩ kiều hối thường về mạnh trong những tháng cuối năm, do kiều bào ở nước ngoài muốn gửi tiền cho người thân trong nước chi tiêu dịp Tết Nguyên đán.

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty Kiều hối VietinBank cho biết, mặc dù lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn có những khó khăn nhưng lượng kiều hối chuyển về VietinBank vẫn tiếp tục tăng trưởng, đến thời điểm này đã đạt trên 1,1 tỷ USD.

Kiều hối về qua Công ty chủ yếu đến từ các thị trường quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Đức, Nga, Australia…

Còn theo lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank, so với nhiều năm trước, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư có phần giảm nhẹ vì lãi suất tiền gửi USD đã giảm từ 4-5%/năm xuống còn 2%/năm; thị trường chứng khoán, nhà đất chưa có dấu hiệu hồi phục... Tuy nhiên, doanh số kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động lại tăng lên nhờ vào chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ngày càng mở rộng. Đến thời điểm này, dự kiến kiều hối vào Sacombank đạt khoảng 1,8 tỷ USD, bằng số thực hiện năm trước. Thị trường kiều hối về nhiều nhất vẫn là Mỹ.

Còn một số Công ty khác như Công ty kiều hối Đông Á, Agribank, Maritime Bank nhận định mặc dù kinh tế khó khăn song doanh số kiều hối của công ty vẫn khả quan.

Thống kê cho thấy, hiện có trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống, làm việc tại 101 quốc gia khắp thế giới. Mỗi lao động xuất khẩu chỉ cần gửi về cho người thân 2.500 USD/năm thì doanh số kiều hối từ lao động nước ngoài đã lên tới 1 tỷ USD/năm, góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.

Theo một chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng kiều hối năm nay tăng, một phần còn do những cải tiến trong giao dịch khiến thời gian tiến hành nhanh và thuận tiện hơn nhiều so với trước mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng.

Điều này được thể hiện ở Công ty Kiều hối VietinBank. Ông Hải cho biết, VietinBank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đang triển khai dich vụ chuyển tiền Online VietinBank eRemit. Dịch vụ này cho phép người gửi tiền có thể ngồi tại nhà hay bất cứ đâu cũng có thể kết nối vào trang www.vietinbank.vn gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam. Sản phẩm này hiện đang được triển khai rất tốt tại thị trường Đức và Anh.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa ra dịch vụ nhận tiền trong ngày từ Mỹ về Việt Nam. Đây là sản phẩm và VietinBank phối hợp với Wells Fargo một ngân hàng lớn nhất của Mỹ triển khai, dịch vụ này cho phép người nhận tiền có thể nhận được tiền của người thân gửi từ Mỹ về ngay trong ngày tại bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch nào của VietinBank trong toàn quốc mà không phải mất bất cứ chi phí nào.

Kiều hối bán lại cho ngân hàng tăng

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, những năm trước đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam không đọng lại ở ngân hàng nhiều vì chảy ra thị trường tự do do chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường và tình trạng đô la hóa ở Việt Nam rất lớn.

Năm 2012 là năm mà Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách và những điều hành giữ tỷ giá tương đối ổn định, tỷ giá chênh lệch giữa thị trường tự do và trong ngân hàng không còn nhiều. Chính vì vậy lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2012, khách hàng nhận được tiền bán lại và gửi lại cho ngân hàng rất nhiều.

Điều này được thể hiện ở các ngân hàng như Sacombank, DongA Bank, Vietcombank... người dân bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để gửi VND tăng hơn nhiều so với những năm trước. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng ở một số ngân hàng khác, con số này cũng tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo tổng kết năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối trong năm 2012 chuyển về Thành phố đạt 4,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2011. Khác với những năm trước, lượng kiều hối được bán lại cho ngân hàng chỉ khoảng 15% nhưng năm nay con số này lên tới 34%. Cũng theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối vào bất động sản năm 2012 chỉ còn khoảng 23% so với năm ngoái là 52% nên ngoại tệ đã được đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, do lãi suất tiền gửi ở một số nước thấp (tại Mỹ chỉ khoảng 0,35%/năm) trong khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn rất nhiều, cho nên ngoài việc chuyển tiền về trợ giúp cho người thân, không ít kiều bào vẫn chuyển tiền về nhờ người nhà gửi ngân hàng để sinh lời.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, do tỷ giá ổn định nên người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang VND, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ. Ông Lực cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay tăng mạnh nhất (khoảng 23 tỷ USD), tuy nhiên con số này vẫn thấp nhất trong 10 nước Đông Nam Á.

Việc người dân bán lượng kiều hối cho thấy niềm tin vào tiền đồng gia tăng, hơn nữa, việc tỷ giá ổn định trong cả năm khiến cho tâm lý nắm giữ ngoại tệ giảm hẳn./.

Minh Thúy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Đừng “đổ” cho báo chí khó khăn của ngân hàng! (31/12/2012)

>   Áp trần lãi suất có cứu nổi doanh nghiệp? (30/12/2012)

>   “Danh tính” 31 đơn vị được kinh doanh vàng miếng (29/12/2012)

>   Hạn chế việc găm giữ vàng của ngân hàng (28/12/2012)

>   TienPhongBank chính thức tham gia thị trường vàng (28/12/2012)

>   Gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến hết 2013 (28/12/2012)

>   NHNN ban hành quy định về "Phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa" (28/12/2012)

>   Thống đốc chia sẻ về 1 năm ngồi "ghế nóng" (28/12/2012)

>   Quy định cho vay ngoại tệ đối với người cư trú (28/12/2012)

>   Đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Tỵ (28/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật