Năm 2013, tăng trưởng dựa vào các nước đang phát triển
Ngày 15-1 tại Mỹ, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo dự báo viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2013.
Theo Reuters, dự báo năm nay GDP thế giới chỉ đạt 2,4% trong khi báo cáo hồi tháng 6-2012 dự kiến đến 3,0%. GDP các nước giàu sẽ tăng chật vật lên 1,3% trong khi các nước đang phát triển sẽ đạt mức 5,5%.
Nguyên nhân giảm dự báo tăng trưởng năm 2013 vì tình hình hồi phục kinh tế của các nước phát triển diễn ra chậm hơn, đặc biệt từ khu vực đồng tiền chung euro (dự báo chỉ tăng trưởng dương vào năm 2014).
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã ca ngợi các nước đang phát triển là động lực tăng trưởng chính của thế giới và năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp các nước này đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn thế giới. Hai nguyên nhân dẫn đến kết quả này là nhu cầu nội địa tăng cao và quan hệ kinh tế giữa các quốc gia đang được củng cố.
Báo cáo ghi nhận kinh tế thế giới còn phải đối phó với nhiều thách thức như khu vực đồng euro phải khẳng định quá trình vươn lên, các vấn đề nợ công và ngân sách ở Mỹ, khả năng đầu tư ở Trung Quốc đột ngột chậm lại, thị trường cung cấp dầu bị rối loạn.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim kêu gọi các nước đang phát triển củng cố kinh tế bằng các chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Nhà kinh tế Andrew Burns, tác giả chủ chốt của báo cáo, nhận định các nước đang phát triển cần khôi phục tài nguyên ngân sách và tiền tệ cần thiết để đủ sức đối phó cơn sốc nếu có, đồng thời cải thiện an sinh xã hội và an ninh lương thực. Tóm lại, các nước này cần củng cố nội lực hơn là lệ thuộc vào tình hình ở các nước giàu.
H.Duy
Pháp Luật TPHCM
|