Thứ Năm, 24/01/2013 08:32

Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam: Hành động và kết quả sẽ quyết định

 “Người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề quản trị tốt, cởi mở và minh bạch, tăng trưởng toàn diện và bền vững...”, ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ với ĐTCK.

Ông Deepak Mishra

2012 là một năm đầy thách thức đối với Việt

Nam do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới cũng như bối cảnh khó khăn trong nước. Những vấn đề lớn nhất Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2013 là gì, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, những vướng mắc cơ bản trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu là do các nguyên nhân trong nước. Năm nay, các yếu tố như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng danh mục đầu tư, kiều hối và vốn hỗ trợ phát triển dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2012. Các khó khăn trong năm 2013 của Việt Nam có thể sẽ không khác nhiều so với 2012: tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhưng chưa chắc chắn; lạm phát cơ bản ở mức cao; dự trữ tăng nhưng vẫn thấp theo chuẩn quốc tế; các chính sách bình ổn kinh tế dễ bị đảo ngược. Trong đó, những vấn đề cần phải giải quyết bằng tái cơ cấu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn: các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục tăng, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả và có tỷ lệ nợ cao, đầu tư giảm mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu dần.

Mặc dù Chính phủ đã cố gắng tìm kiếm các giải pháp khả thi để giải quyết những khó khăn này, song hành động và kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Đây có lẽ là mối quan ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư.

Vốn cho các doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm trong năm 2013 và nền kinh tế sẽ có nhiều khó khăn hơn. Ông có thể cho biết quan điểm của mình?

Lãi suất huy động đã giảm đáng kể trong năm 2012 và thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện, nhưng chúng ta không nên kỳ vọng vào sự quay trở lại sớm của chính sách tiền tệ nới lỏng, cho đến khi các vấn đề nợ xấu được giải quyết hoàn toàn.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu nguồn tiền cho vay được đưa đến sai đối tượng - những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và không có tính cạnh tranh - thì có thể dẫn đến lạm phát và nợ xấu cao lên, chứ không giúp tăng trưởng nhanh hơn. Hơn nữa, ngay cả khi tín dụng tăng trưởng ở mức 10%/năm, thì số tiền vốn đổ vào nền kinh tế 1 năm cũng rất lớn (nếu so với quy mô nền kinh tế), khoảng gần 100 - 120 tỷ USD (phần lớn các khoản vay của ngân hàng có kỳ hạn thanh toán là 1 năm hoặc ngắn hơn). Vì vậy, vấn đề không chỉ nằm ở việc tổng tiền có là bao nhiêu, mà còn là phân bổ nó như thế nào. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng, các ngành có lợi ích xã hội cao hơn như nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu... không bị thiếu vốn kinh doanh.

Nếu Chính phủ thông qua gói kích cầu mới vào năm 2013, theo ông, điều này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam ?

Trừ khi kinh tế toàn cầu suy giảm hơn và bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kết quả và việc làm của khu vực sản xuất trong nước, chúng tôi thấy, không quá cần thiết phải thông qua một gói kích cầu kinh tế mới. Với kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng ở mức 31% vào năm 2012, rõ ràng vấn đề không phải là sự thiếu hụt nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trên thị trường thế giới. Và nếu tốc độ tăng trưởng giảm là hậu quả của việc quản lý kém và hoạt động không hiệu quả, thì kích thích kinh tế cũng không phải là “liều thuốc” trúng.

Trong khi tổng nợ của Chính phủ hiện nay không quá cao theo chuẩn quốc tế, thì nợ ẩn từ khu vực doanh nghiệp và ngân hàng lại khá lớn và có dấu hiệu gia tăng. Do đó, tôi cho rằng, những tiến bộ rõ ràng và có thể nhìn thấy được trong tiến trình tái cơ cấu sẽ làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư, hơn là việc thông qua gói kích cầu.

Còn về dòng vốn đầu tư nước ngoài, ông có bình luận gì?

Ngân hàng Thế giới dự báo, trong năm 2013, nguồn vốn FDI vào Việt Nam khoảng 7,3 tỷ USD. Đây là con số sơ bộ và không khác nhiều so với năm 2012. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta đều mong muốn lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam phải tương ứng với quy mô của nền kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn. Rõ ràng, vốn FDI vào Việt Nam không tăng nhiều cũng là điểm cần suy nghĩ.

Chúng tôi nhận thấy, trong vài tuần qua, TTCK Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường hoạt động tốt nhất trong số các nền kinh tế mới nổi và thu hút được danh mục đầu tư đáng kể. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô đã gây được ấn tượng tốt với các nhà đầu tư và họ đang mong chờ sự tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu. Sự phát triển của TTCK mang lại thời cơ tốt cho Chính phủ để tiếp tục quá trình cổ phần hóa, mà nếu thực hiện có hiệu quả, sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư và vốn cho thị trường. Do đó, theo chúng tôi, Chính phủ nên tận dụng các điều kiện thuận lợi hiện nay ở TTCK và tâm lý của nhà đầu tư để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu một cách quyết liệt hơn.

Ông có thông điệp gì gửi đến Chính phủ Việt Nam trong năm 2013?

Kinh tế và xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề quản trị tốt, cởi mở và minh bạch, tăng trưởng toàn diện và bền vững, không bất chấp mọi giá để tăng trưởng nhanh. Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những nỗ lực cụ thể để đáp ứng mong đợi ngày càng lớn của người dân cũng như phát huy được tối đa tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

“Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng”

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia

Tổng cầu yếu cùng với thách thức tài khóa không dễ vượt qua ở các nước phát triển sẽ khiến lạm phát cao chưa thể quay lại ngay. Do vậy, các nền kinh tế này sẽ còn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này có những tác động tích cực nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam . Cụ thể, giá hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… khó giảm mạnh, bất chấp nhu cầu Trung Quốc giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Mặt bằng giá cả các mặt hàng này bình ổn sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam . Dòng vốn tìm đến các nước đang phát triển cũng sẽ tới Việt Nam trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định, lãi suất duy trì cao hơn so với khu vực, giá tài sản đang rẻ. Dòng vốn vào trực tiếp và gián tiếp giúp ổn định tỷ giá và tạo nhiều dư địa hơn trong việc nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Điều kiện đặt ra để dòng vốn này có tính bền vững hơn là nợ xấu phải được giải quyết tốt và dòng tín dụng được lưu thông…

“Thách thức lớn nhất là lòng tin”

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Năm 2013, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là cố gắng phục hồi kinh tế, tăng cường khả năng chống đỡ trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, trong khi vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Để làm được điều này, thách thức lớn nhất cần vượt qua là lấy lại lòng tin bằng các chính sách nhất quán, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Giai đoạn 2013 - 1025 có thể nói là thời điểm bước ngoặt cải cách cho kinh tế Việt Nam . 6 tháng đầu năm nay, dòng tín dụng chắc vẫn khó chảy mạnh do hệ thống ngân hàng tập trung vào xử lý 4 ngân hàng yếu kém còn lại và tình hình nợ xấu còn gay gắt. Do vậy, chính sách tài khóa cần gánh vác nhiều trách nhiệm hơn với một lượng vốn lớn từ phát hành trái phiếu chính phủ cung tiền ra nền kinh tế. Dự báo, năm 2013, tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 10 - 12%; tỷ giá khó phá giá quá 2 - 3%.

“Nền kinh tế phải chữa nhiều… bệnh”

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế

Năm 2013, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, bởi cùng một lúc nền kinh tế có nhiều “bệnh”. Nợ xấu có giải quyết cơ bản được không hay chỉ là bơm tiền ra rồi xóa nợ? Nguồn tiền xử lý ở đâu? Ai định giá khối tài sản nợ đó? Thứ tự giải quyết các khoản nợ như thế nào? Cục nợ khổng lồ của các tập đoàn kinh tế và cả khối DNNN sẽ được xử lý như thế nào...

Trong khi đó, tôi chưa thấy có một chương trình tổng thể để giải quyết tận gốc các vấn đề trên. Nếu chỉ tập trung vào câu chuyện tăng trưởng cao thì đương nhiên lạm phát sẽ quay lại. Chúng ta cần tập trung vào tính hiệu quả của nền kinh tế. Nếu bớt lãng phí, tham nhũng, bộ máy làm việc có hiệu quả thì với lượng cung vốn không quá ồ ạt cũng có thể đạt mức tăng trưởng khá. Nhưng nếu muốn tăng trưởng bền vững thì trước mắt phải lựa chọn sự ổn định. Trên tất cả, niềm tin của người dân và DN vào các quyết sách, chính sách mới là tiền đề để nỗ lực cải cách đi tới thành công.


Nhuệ Mẫn thực hiện.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thưởng tết Quý Tỵ cao nhất 650 triệu đồng (23/01/2013)

>   Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (23/01/2013)

>   Cần có cơ sở pháp lý quản lý các tập đoàn tài chính (23/01/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tái cấu trúc DNNN, nhiệm vụ cấp bách năm 2013 (23/01/2013)

>   60% doanh nghiệp Nhật “có lãi” tại Việt Nam (23/01/2013)

>   Chưa có doanh nghiệp báo cáo không thưởng tết (23/01/2013)

>   Nghi vấn nhiều doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu (23/01/2013)

>   Lợi nhuận đáng kinh ngạc của ngành điện (23/01/2013)

>   Giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã mạnh mẽ hơn (22/01/2013)

>   Xử phạt ba “ông lớn” viễn thông gần 120 triệu đồng (22/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật