Không áp trần, lãi suất cho vay vẫn có thể là 5-7%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi trong năm 2013 để ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, không cần công cụ trần lãi suất, NHNN vẫn có thể giúp xác lập mặt bằng lãi suất cho vay ở mức 5-7%/năm.
Vấn đề bỏ trần lãi suất huy động đã được đặt ra từ năm 2012, nhưng sang năm 2013, NHNN khẳng định tiếp tục áp trần lãi suất tiền gửi, chỉ bỏ công cụ này khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống cải thiện. Theo ông, việc kéo dài trần lãi suất có thực sự cần thiết?
Thị trường không cần trần lãi suất huy động, bởi nó không có nhiều ý nghĩa gì về mặt luật pháp. Việc cần thiết bây giờ là phải áp trần lãi suất cho vay. Muốn vậy, cần xác lập lại lãi suất cơ bản, theo đúng quy định pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản. Đồng thời, NHNN phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngân hàng nào vi phạm phải bị xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa. Một khi lãi suất cho vay bị quản chặt thì lãi suất huy động ắt phải giảm theo. Quy định trần lãi suất là một biện pháp hành chính.
Thời gian qua, NHNN quy định cả trần lãi suất cho vay với những lĩnh vực ưu tiên, nhưng nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay cao hơn trần, khiến doanh nghiệp vẫn phải gánh lãi suất cao.
NHNN lo ngại, nếu bỏ trần, lãi suất huy động sẽ tăng cao, khiến DN càng thêm khó khăn. Đây là lo ngại có cơ sở vì thanh khoản của nhiều ngân hàng chưa thật vững, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn hiện hữu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Sẽ bất hợp lý khi NHNN là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ mà lại chạy theo thị trường. NHNN phải dùng quyền của mình để điều khiển thị trường. Không cần trần lãi suất, NHNN vẫn có thể xác lập được một mức lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp hoạt động.
Cụ thể, NHNN cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn với lãi suất 2 -3%/năm và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên vay với lãi suất 5 - 7%/năm. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải đổi mới cách thức giám định từng khoản vay.
Việc cho vay sẽ căn cứ theo từng dự án, giải ngân theo tiến độ, giám sát chặt chẽ dòng tiền, chứ không phải cho vay theo sổ đỏ, sau đó không giám sát gì với các khoản vay như trước.
Cuối năm 2012, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có đề xuất tương tự như đề xuất của ông, nhưng NHNN chưa chấp thuận. Theo ông, có phải NHNN hạn hẹp về vốn hoặc e ngại việc bơm tiền sẽ gây lạm phát?
BIDV đã có đề xuất như vậy. Tôi nghĩ, hệ thống ngân hàng cũng nên nghiên cứu chính sách này để có tiếng nói chung kiến nghị lên NHNN, giúp thị trường có nguồn vốn với lãi vay hợp lý.
Tôi không biết lý do gì mà NHNN chưa chấp thuận giải pháp trên, nhưng chắc chắn là không phải do thiếu tiền. Tiền của NHNN là vô hạn. NHNN có chức năng phát hành giấy bạc, tức vốn huy động chỉ 0%/năm, nên họ có thể cho vay với lãi suất 1-3% là hoàn toàn khả thi. Tại Mỹ, ngân hàng trung ương nước này cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn với lãi suất 0-0,25%/năm; tại Nhật Bản, con số này là 0-0,1%/năm.
Về lạm phát, tất nhiên, cùng với cho vay tái cấp vốn lãi suất thấp, NHNN phải điều tiết lượng tiền lưu thông một cách vừa phải, không thừa, không thiếu. Nếu thừa thì gây lạm phát, nếu thiếu thì gây thiểu phát. Kiểm soát tổng phương tiện thanh toán là nhiệm vụ của NHNN.
Lãi suất huy động ở mức 8%/năm hiện được đánh giá là khá thấp. Nếu giảm hơn nữa, liệu có huy động được tiền gửi trong dân không, thưa ông?
Nói không hạ được lãi suất vì sợ tiền không vào ngân hàng là ngụy biện. Nếu người dân có 10 tỷ đồng nhàn rỗi, không gửi ngân hàng thì họ sẽ làm gì? Tiền có thể chạy lòng vòng qua nhiều kênh, nhưng cuối cùng cũng sẽ vào ngân hàng thôi. Thậm chí, nếu không vào ngân hàng mà đem sản xuất, kinh doanh, đầu tư để đồng tiền sinh lợi nhiều hơn thì cũng nên khuyến khích.
Trong điều kiện hiện nay, lãi suất thấp chừng nào, tốt chừng ấy. Không nên khuyến khích người dân bỏ tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao, vì nền kinh tế nước ta không thể chịu nổi lãi suất cao thêm nữa.
Hà Tâm
đầu tư
|