Thứ Năm, 10/01/2013 13:52

Đề án cty mua bán nợ quốc gia sẽ được quyết định trong tháng 1-2013

Đề án công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) sẽ được trình Bộ Chính trị cho ý kiến và quyết định trong tháng 1-2013, sau khi Chính phủ thảo luận hôm 27-12-2012.

 

Tại thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết trên cổng thông tin điện tử Chính phủ rằng nếu áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp, ngay trong năm 2013, có thể giải quyết được một nửa số nợ xấu hiện tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Ông nói, NHNN đã có những biện pháp để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu như trích lập dự phòng rủi ro. Dự kiến con số trích lập sẽ giải quyết được 40.000-50.000 tỉ đồng nợ xấu. Nếu được thông qua, đề án tổng thể với các biện pháp khác có thể giải quyết được khoảng trên 100.000 tỉ đồng nợ xấu nữa, tức là giải quyết được ngay nửa số nợ xấu trong toàn hệ thống. Sau đó ít ngày, trong cuộc gặp gỡ báo chí, ông đưa ra con số khác là dự kiến cả năm 2012, các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro khoảng 90.000 tỉ đồng để giải quyết nợ xấu, sau khi đã trích lập được 76.000 tỉ đồng từ tháng 11.

Việc trích lập dự phòng rủi ro thực ra chỉ là một phần việc trong giải quyết nợ xấu. Cho dù con số trích lập chỉ trong vài ngày đã xa nhau cả chục ngàn tỉ hoặc con số nợ xấu Thống đốc công bố là 252.000 tỉ, còn Thủ tướng nói là khoảng 400.000 tỉ, thì hiện giờ chúng đã không còn là mối quan tâm của nhiều người. Cái mà người ta quan tâm hơn là nếu tổ chức xử lý nó chưa ra đời với hình hài và hành động cụ thể thì con số nợ xấu có thể mỗi ngày một khác.

Chưa có quyết định phương án cuối cùng cho mô hình hoạt động của VAMC, song theo thông tin của TBKTSG, đề án của NHNN đang hướng đến những biện pháp mạnh vào các ngóc ngách của nợ xấu.

Theo đó, hình thức mua nợ xấu sẽ là một bước đột phá. Thay cho cách mua nợ bằng tiền mặt, theo giá thị trường và phải đảm bảo thu hồi vốn mua nợ như Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) vẫn đang làm, VAMC tính đến việc có thể yêu cầu các ngân hàng bán, chuyển giao nguyên trạng nợ xấu cho công ty. Tức là mua nợ dựa trên giá trị sổ sách của khoản vay.

Trường hợp ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao, trên 3% mà không chịu bán nợ cho VAMC xử lý thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp hành chính bắt buộc để ngân hàng này phải xử lý hoặc chuyển giao nợ để xử lý. Ví dụ như NHNN tiến hành thanh tra chất lượng tài sản và vốn của ngân hàng, yêu cầu ngân hàng phải xử lý nợ xấu xuống dưới 3%. Nếu không, sẽ phải cơ cấu lại ngân hàng theo phương án do NHNN phê duyệt. Chắc chắn ít có ngân hàng nào rơi vào tình trạng đó lại từ chối xử lý nợ theo cách mà NHNN yêu cầu bởi nó liên quan trực tiếp đến sự tồn tại của họ.

Tại sao VAMC có khả năng sẽ mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách? Thực ra, cách làm này giúp các ngân hàng vừa làm sạch bảng cân đối tài khoản, vừa giúp ngân hàng không phải ghi nhận lại toàn bộ tổn thất tín dụng ngay khi bán nợ xấu (nhất là các ngân hàng đang niêm yết) mà có thể phân bổ tổn thất này trong vòng 1-5 năm.

Chắc chắn các nơi bán nợ sẽ thích phương án này, bởi lẽ mua nợ xấu theo giá thị trường như đã làm từ trước đến nay thì ngân hàng phải ghi nhận ngay tổn thất với quy mô lớn trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến báo cáo tài chính và thu nhập của ngân hàng.

Hầu hết các khoản nợ xấu hiện nay được đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai. Như Thống đốc tuyên bố thì 84% nợ xấu thuộc dạng này và giá trị bất động sản đảm bảo cỡ khoảng 135 % giá trị các khoản nợ. Các khoản nợ xấu nếu tính đủ còn hàng chục ngàn tỉ nằm ngoài bảng cân đối kế toán.

Đến đây người ta sẽ cần biết, giá mua nợ xấu theo giá trị sổ sách sẽ được thực hiện thế nào? Cách định giá liệu có phải là dựa trên giá trị ban đầu của khoản nợ trừ đi dự phòng rủi ro đã trích lập hay không? Giá trị tài sản đảm bảo có được xác định lại minh bạch, qua một công ty định giá độc lập hay không? Nhớ lại thời điểm cách đây vài tháng, câu trả lời của Thống đốc tại nghị trường có vẻ sẽ theo cách này: “Nếu như một khoản nợ là 100 đồng, ngân hàng đã trích lập 70 đồng và tài sản đảm bảo cho khoản nợ đó lại bằng 135% giá trị khoản nợ thì về lý thuyết ngân hàng chỉ cần bán khoản nợ đó dưới 30 đồng là đã thu được vốn”, và “chỉ cần một đơn vị nào đó chấp nhận quản lý tài sản đó và đưa lại cho ngân hàng và doanh nghiệp 30 đồng thì ngân hàng hết nợ xấu, bản thân công ty đó có điều kiện kinh doanh có lãi”.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay, tiền mua nợ sẽ lấy ở đâu khi nhiều ý kiến phản đối việc dùng tiền ngân sách để cứu nợ xấu liên tiếp được đưa ra suốt năm 2012. Tất nhiên vốn điều lệ hoạt động của VAMC vẫn là vốn ngân sách và hiện vẫn chưa xác định được con số cụ thể. Hoạt động kinh doanh mua nợ có thể sẽ hạn chế việc dùng tiền mặt mà hướng đến việc phát hành trái phiếu xử lý nợ và các công cụ nợ đặc biệt khác (như giấy chứng nhận nghĩa vụ nợ, có tính chất như giấy tờ có giá được giao dịch mua bán, vay vốn, thế chấp...). Khi VAMC mua nợ, sẽ thanh toán cho ngân hàng bán nợ bằng các loại giấy tờ nêu trên. Trường hợp xử lý được khoản nợ, ngân hàng có nợ sẽ được hưởng 85% và VAMC được hưởng 15% số tiền bán nợ. Trường hợp VAMC không thu hồi được khoản nợ đã được mua thì doanh nghiệp này cũng chỉ mất chi phí xử lý và chi phí quản lý khoản nợ.

Cũng theo nguồn tin riêng của TBKTSG, NHNN và VAMC đã tính đến các khả năng là có hơn trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu và công cụ nợ được phát hành trên thị trường năm 2013, cộng với hàng chục ngàn tỉ đồng giấy tờ có giá các loại như trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp... đồng loạt phát hành cùng thời điểm. Khi đó, lượng giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ sẽ tăng đột biến và NHNN sẽ phải điều tiết.

Tất cả những khả năng nêu trên cho thấy, VAMC sẽ hướng đến tái cấu trúc nợ là chủ yếu thay vì cùng lúc đáp ứng cả hai mục tiêu tái cấu trúc nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp. Và theo cách nào đi chăng nữa, việc nhấn nút “rã đông” nợ xấu buộc phải bắt đầu.

------------------------------------------------

Tiêu đề gốc: Cuộc chuyển giao sắp bắt đầu

Lan Nhi

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thanh tra tại Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước (10/01/2013)

>   Phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (10/01/2013)

>   Xoá bỏ vàng hoá nền kinh tế (10/01/2013)

>   Ngân hàng 'vượt bão' - những điều ít biết (10/01/2013)

>   HDBank triển khai mua bán vàng miếng từ 10/01/2013 (09/01/2013)

>   Cam kết ổn định tỷ giá (09/01/2013)

>   NHNN: Tăng trưởng tín dụng 2013 khoảng 12% (09/01/2013)

>   Vững tin đối mặt với thử thách (08/01/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng đột ngột giảm mạnh gần 50% (08/01/2013)

>   Thông tư 01: Sửa đổi quy định về hoạt động giao dịch liên ngân hàng (08/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật