Thứ Tư, 02/01/2013 16:06

Hệ thống ngân hàng Việt Nam: Lỗi con người hay hệ thống?

2012 là một năm đầy sóng gió của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều gì thực sự đang diễn ra trong hệ thống huyết mạch của nền kinh tế?

Liên tiếp những vụ khởi tố các cán bộ, nhân viên ngân hàng vì các cáo buộc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lạm quyền phát hành bảo lãnh khống… đã diễn ra. Hàng loạt cán bộ tín dụng lãnh án, vào nhà giam và nhiều người bị buộc thôi nhiệm vụ. Không nghiêm trọng, nhưng lại diễn ra một cách có hệ thống, dai dẳng và thường xuyên là tình trạng cán bộ, nhân viên tín dụng ngân hàng nhũng nhiễu doanh nghiệp, khách hàng khi họ có nhu cầu vay vốn, sử dụng dịch vụ ngân hàng, qua đó nhận phong bì, hoa hồng dự án cho vay…

Những lát cắt

TS Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông nói với Doanh Nhân, ông lấy làm buồn phải thừa nhận đó là tình trạng có thật trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách công bằng, đó mới chỉ là những lát cắt ở một góc nào đó của toàn hệ thống ngân hàng, không thực sự tiêu biểu hay có thể nói lên diện mạo, bản chất của hệ thống. Nói cách khác, TS Linh nhấn mạnh, cần phải thấy hầu hết các vụ việc đều được phanh phui, khởi tố, được pháp luật trừng phạt nghiêm minh và quan trọng là được đưa ra công khai trước công luận. "Nhưng có lẽ cũng chính vì công khai với công luận, được báo chí và các phương tiện truyền thông tập trung đưa tin mà người ta lại có cảm nhận đây đang là vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng và đôi khi mọi người vì thế mà quên đi những lát cắt, những mặt tốt, tiêu biểu, phổ quát và cũng trải rộng hơn của hệ thống".

Dĩ nhiên, nếu nhìn phổ quát, có thể nói hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế tiên tiến nhất về ngân hàng như chuẩn Basel III. Nói như TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là Việt Nam hệ thống ngân hàng nội hiện còn cách xa với chuẩn mực quốc tế, song ở giai đoạn khởi đầu của chuẩn mực Basel II, Việt Nam đã và đang thiết lập được những tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu. Một trong số đó là quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Và trên toàn hệ thống

Trên thực tế, không chỉ có ngành ngân hàng mới cần quản trị rủi ro. Hầu như đây đã và đang là một tiêu chuẩn quan trọng nhất trong hoạt động của mọi doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có các điều kiện và đặc thù kinh doanh đòi hỏi muốn hội nhập vào thị trường quốc tế thì càng phải tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, riêng với ngành ngân hàng, quản trị rủi ro toàn diện phải được hiểu là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Trong đó, bao gồm những nghiệp vụ cơ bản, từ quản lý nợ, tài sản, các tiêu chuẩn kế toán, thị trường tín dụng, từ các danh mục đầu tư tín dụng hay việc phân bổ vốn… Ở mỗi một lĩnh vực, rủi ro đều rất cần được đo lường, nhận biết và dự báo. Một khi con người - những cán bộ nhân viên, tín dụng ngân hàng cố ý "lách", vượt ra khỏi các chuẩn mực quản trị rủi ro, thì không một hàng rào quản trị nào có thể "cản" và "đỡ" được các thiệt hại xảy ra cho ngân hàng và cả cho khách hàng. Thiệt hại không chỉ được tính bằng tiền mà còn là uy tín, "định mức tín nhiệm" của ngân hàng trong mắt khách hàng lẫn trên thị trường nói chung.

Ngoài ra, còn một rủi ro sau cùng, nhưng không kém phần nghiêm trọng là "rủi ro thương hiệu" - đến từ các rủi ro đã xuất hiện trước đó. Đây là một loại rủi ro mà theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng Việt Nam ít khi để ý đến. Cũng vì vậy mà trong năm 2012, nhiều ngân hàng đã vướng phải khủng hoảng sâu sắc về truyền thông thương hiệu. Dấu ấn của khủng hoảng này đối với thương hiệu có lẽ còn kéo khá dài mà không một sự đo lường, đánh giá rủi ro nào có thể đưa ra được giải pháp phù hợp. Còn đợi ngân hàng đó thực sự chứng minh được năng lực và củng cố thương hiệu sau cơ cấu lại thì trong giai đoạn tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng hiện nay khó có thể mong đợi một kết quả sớm.

Chọn cái áo hay nhân dạng?

Cũng nhân nói về quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Quản trị Tài chính FMIT, tổ chức đã đào tạo về chuẩn mực quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ cho nhiều tập đoàn, ngân hàng lớn như: Bảo Việt, Vietcombank, BIDV, VIB, Samcombank, ANZ Việt Nam… cho biết, những chuẩn mực quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ứng dụng cho ngành ngân hàng không khác hay "phức tạp" hơn bao nhiêu so với những ngành khác. "Đã gọi là chuẩn mực tức đã được "đóng khung", đã được lọc và công nhận trên hàng trăm ngàn nghiên cứu khoa học, được hàng trăm ngàn doanh nghiệp quốc tế thử nghiệm, chứng minh trong thực tiễn nên gần như không có "sai số" trong quy chuẩn. Tuy nhiên, bộ chuẩn mực quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ do PMI và CIC chứng nhận và FMIT chuyển giao, đào tạo cũng đã có sự phân chuẩn cho từng ngành, từng lĩnh vực kinh doanh, thậm chí là cho cả từng loại hình doanh nghiệp.

Như vậy, vấn đề của hệ thống ngân hàng không phải là sự thiếu vắng những chuẩn mực quản trị rủi ro, cho dù ta vẫn còn cách xa các chuẩn mực quốc tế "hàng ki-lô-mét". Vấn đề ở đây là văn hóa quản trị kinh doanh của mỗi tổ chức. Thấp hơn, "vi mô" hơn nữa là vấn đề đạo đức kinh doanh của mỗi cán bộ ngân hàng, mỗi một con người. TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế Ứng dụng TP.HCM, nói ngắn gọn: "Chừng nào còn tình trạng các ngân hàng chạy đua nhau để mở chi nhánh, phòng giao dịch tràn lan, như một vũ khí để cạnh tranh tăng tổng tài sản, hút vốn và làm thương hiệu… thì chừng đó nhân lực trong ngành ngân hàng còn được tuyển dụng một cách dễ dãi, đạo đức của ngành ngân hàng còn chưa được coi trọng đúng mức. Và rủi ro cho hệ thống, cho mỗi ngân hàng sẽ còn tăng lên".

Như vậy, câu chuyện ở đây xem chừng vẫn là cái áo khoác chuẩn mực quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ chứ không phải con người đang khoác cái áo đó. Ngành ngân hàng liệu có thể nhận lỗi hay đổ lỗi hệ thống cho một vài con người, vài "lát cắt"? Và những ngân hàng nào sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng thương hiệu chung của hệ thống ngân hàng - như lời các chuyên gia cảnh báo?

Câu trả lời chắc chắn đang nằm ở phía trước, năm 2013, khi những nỗ lực tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng dần phác thảo nên một diện mạo mới của ngành này.

Trung Nhật

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính: 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2012 (02/01/2013)

>   Xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng: Vì sao tòa “bác” quyết định xử phạt? (02/01/2013)

>   Ngân hàng TPHCM: Bước chuyển 2013 - khó khăn còn rất lớn (02/01/2013)

>   Vốn ngoại và điều “bâng khuâng” của Thống đốc (02/01/2013)

>   Bơm ròng 27.273 tỷ, thị trường OMO vào mùa cao điểm (02/01/2013)

>   Tài chính, chứng khoán vẫn nhiều thách thức trong 2013 (01/01/2013)

>   Ngân hàng 2012 qua các con số (01/01/2013)

>   Xử lý nợ xấu: Cần một giải pháp tổng thể và lâu dài (01/01/2013)

>   Tín dụng tăng trưởng thấp: mừng hay lo? (01/01/2013)

>   Lãi suất vẫn “âm thầm” vượt trần (01/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật