Giá vàng: Từ năm 2012 nhìn tới năm 2013
Sự biến động giá vàng trong năm 2012 và nhìn tới năm 2013 có ý nghĩa rất lớn đối với niềm tin của thị trường vào sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với Việt Nam, vàng trong dự trữ ngoại hối của quốc gia có thể không lớn, nhưng trong dân lại khá lớn, với ước tính lên đến 250- 300 tấn , tương đương khoảng 15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong GDP và trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm.
Ở Việt Nam, những năm qua, giá vàng bình quân 1 năm tăng 24%, cao đến mức đã thành câu nói cửa miệng "vàng bỏ ống cũng có lãi’’, hiếm có kênh đầu tư nào sánh được. Tình trạng "vàng hoá" tăng lên. Sự biến động của giá vàng tác động đến lạm phát thông qua yếu tố tâm lý, lòng tin.
Vì vậy, một kết quả quan trọng trong điều hành hành tiền tệ năm 2012 là tốc độ tăng giá vàng đã chậm lại rất nhiều so với tốc độ tăng trong hơn một thập kỷ trước đó.
Tốc độ tăng bình quân giá vàng năm 2012 so với năm 2011 vẫn còn cao (tăng 7,83%), nhưng đã thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của năm 2011 so với năm 2010 (tăng 39%).
Tốc độ tăng giá vàng qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Mặc dù giá vàng trong nước còn cao hơn nhiều so với giá vàng trên thị trường thế giới, nhưng do việc nhập khẩu vàng được quản lý chặt, nên giá USD không những không tăng mà còn giảm (0,96%). Một lượng vàng không nhỏ trong dân đã được các ngân hàng thương mại huy động, góp phần chuyển vàng sang tiền đồng để đầu tư trực tiếp cho kinh tế, đồng thời góp phần giảm bớt tình trạng vàng hoá nền kinh tế.
Giá vàng năm 2012 tăng chậm lại nhanh do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng do lạm phát đã được kiềm chế khi tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 đã chậm lại nhanh so với năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra.
Có nguyên nhân do lãi suất tiết kiệm được duy trì ở mức thực dương trong thời gian khá dài; Có nguyên nhân do một số biện pháp quản lý thị trường vàng- mặc dù về kỹ thuật còn có những ý kiến khác nhau, nhưng về mục tiêu là chống vàng hoá, huy động vàng tồn đọng trong dân cư để biến thành tiền vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Hạn chế, bất cập của giá vàng trong năm 2012 là chênh lệch giữa giá vàng ở thị trường trong nước với giá vàng trên thị trường thế giới khá lớn (có thời điểm lên tới trên 5 triệu đồng/lượng) và kéo trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, với những biện pháp kiên quyết trong triển khai nội dung quản lý vàng miếng theo Nghị định 24/NĐ-CP từ ngày 10/1 đã cho thấy khả năng bước đầu khắc phục được bất cập trên. Cụ thể, đến ngày 15/1, chênh lệch giữa giá vàng trong nước hiện xoay quanh mức 2,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh từ mức 4,5 triệu đồng/lượng ở thời điểm trước ngày 10/1.
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động; người dân đã yên tâm hơn khi mua, bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép; trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn; mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Đáng chú ý, để triển khai các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tham gia thị trường vàng với tư cách là người kiến tạo và mua, bán cuối cùng nhằm ổn định thị trường vàng theo đúng tinh thần Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Việc thu hẹp được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ có tác động tích cực về tâm lý đối với việc kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý đến yếu tố biến động tỷ giá khác tác động đến giá vàng. Nếu tỷ giá tăng sẽ làm cho giá vàng thế giới tính bằng USD dù không tăng, nhưng nếu tính bằng VND vẫn sẽ tăng. Việc tỷ giá ổn định, chẳng những tác động tích cực đến việc kiềm chế lạm phát, mà còn tác động tích cực đến việc ổn định giá vàng.
Minh Ngọc
Chính Phủ
|