Giá vàng trong nước sẽ sát giá thế giới?
Hai trong một. Lần thứ hai trong vòng một năm, giới đầu cơ vàng phải căng đầu suy tính về việc đổ tiền vào một kênh đầu tư khác. Chứng khoán hay bất động sản?
* Quỹ ETF vàng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế
Hằng - nữ nhân viên của một tiệm kinh doanh vàng trên đường Hai Bà Trưng tại TPHCM - than thở: “Chỉ mới chưa đầy một tuần mà vàng mất giá dễ sợ. Nhiều người ôm vàng không kịp trở tay, chưa kịp bán mà giá đã giảm mất vài triệu đồng mỗi lượng. Chung quy cũng tại cái Nghị định 24 đó…”.
Nghị định 24 mà Hằng nhắc đến chính là một văn bản pháp quy của Chính phủ về “dọn dẹp” thị trường vàng tự do. Ngay tiệm vàng mà Hằng đang làm việc cũng nằm trong số cơ sở không còn được cấp phép kinh doanh vàng miếng, thay vào đó chỉ còn bán vàng nữ trang.
Hai trong một
Hai lần trong vòng một năm. Thực ra, câu chuyện sụt giá trên đã mở ra tiền đề từ đầu năm ngoái, khi Nghị định 24 ra đời, theo đó 12,000 cơ sở kinh doanh doanh vàng được đặt trong trạng thái “giải tỏa trắng”. Cũng vào những tháng đầu năm 2012, thị trường vàng tự do đã chứng kiến cú lao dốc đầu tiên của giá các thương hiệu “phi SJC”, tạo ra khoảng cách đến 1-1.2 triệu đồng/lượng so với vàng SJC.
Bảo Tín Minh Châu đã trở thành “nạn nhân” đầu tiên trong số các thương hiệu có tiếng lâu đời bị gạt ra rìa. Vào cuối năm 2011, khi lần đầu tiên giá vàng Bảo Tín Minh Châu thấp hơn giá vàng SJC đến 1.2 triệu đồng/lượng, cơn khủng hoảng của vàng “phi quốc doanh” đã bắt đầu.
Cuộc khủng hoảng trên còn được thấm đẫm bởi một ưu tư khôn nguôi - thanh khoản. Kể từ tháng 10/2011, tình hình thanh khoản trên thị trường vàng đã diễn biến theo chiều hướng giảm dần. Chẳng mấy chốc, trên thị trường đã lan rộng hình ảnh “mười người bán, một người mua”. Một hình ảnh sống động không kém là những cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu trở nên trống rỗng khách viếng vào đầu năm 2012, lại trùng với thời điểm mà thống đốc Ngân hàng nhà nước lần đầu tiên đưa ra một dự báo về thị trường vàng: vàng sẽ là kênh rủi ro rất cao.
Cạn hy vọng “lướt sóng”
Nhưng khác hẳn với giai đoạn quý 4/2011 là lúc giá vàng đạt đỉnh hoàng kim và thị trường vàng nổi sóng thật sự, vào thời gian này vàng lại ngấm ngầm tiếp nối chuỗi bi ai ảm đạm của nó. Nếu như trước ngày 10/1/2013, giá vàng trong nước có thời điểm chênh cao hơn giá thế giới đến 5 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới và khiến dư luận không biết đường nào mà lần, thì cho đến ngày 14/1/2013, độ chênh biệt giữa giá trong nước và giá thế giới chỉ còn hơn 2 triệu đồng/lượng - quá “đau” đối với những người tích trữ vàng hoặc chưa kịp tống táng số vàng đầu cơ đã mua ở vùng 45-46 triệu đồng/lượng.
Vào lần này, một số thông tin ngoài lề cũng cho biết giá vàng niêm yết hàng ngày được “tham chiếu” bởi Công ty SJC chứ chẳng phải ai khác. Mà những dấu hiệu từ SJC khi đặt giá niêm yết cao hơn hẳn giá thế giới lại đã luôn trở thành một nghi vấn lớn lao nhưng chưa bao giờ được NHNN giải thích cặn kẽ.
Minh - một nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyên nghiệp chuyên đánh sóng tại các sàn giao dịch vàng trước đây, vào lúc này nhấp nhổm không yên. Trong suốt một năm qua, diễn biến lặng lẽ và yếu dần về thanh khoản của thị trường vàng đã làm những người như anh cạn dần niềm hy vọng “lướt sóng”.
Là một người chịu khó nghiên cứu quy luật vận động của giá vàng thế giới, Minh đã thường dựa vào mảng nhận định của những chuyên gia quốc tế có tiếng. Một trong những chuyên gia như thế là David Banister, nhà đầu tư chiến lược tại ActiveTradingPartners.com - người đã dự báo gần chính xác xu hướng của giá vàng thế giới trong năm 2011. Tuy vậy, dự báo của David Banister về giá vàng sẽ chinh phục đỉnh 2,000 USD/oz trong năm 2012 đã không thể đúng. Do vậy, khả năng giá vàng lên đến 2,380 USD/oz trong dài hạn cũng tỏ ra thiếu cơ sở.
Trong vài tuần qua, đồ thị biến động giá vàng cũng đã làm thành một đường giảm dốc đứng, không khác mấy vài thời kỳ đổ dốc của năm 2011. Xét theo trường phái phân tích kỹ thuật, xu thế vàng tiếp tục lao dốc có thể sẽ chiếm khả năng chủ đạo. Cũng theo đó, ngưỡng hỗ trợ cho giá vàng trong nước sẽ là vùng… 42 triệu đồng/lượng, nghĩa là nếu rơi vào vùng này, giá vàng trong nước sẽ “tiệm cận” với giá thế giới.
Đồng pha và tiệm cận
Mới cách đây không lâu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình còn phát đi một “thông điệp” mới: Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý là phát biểu này lại gắn liền với thời điểm giá vàng trong nước vượt hơn giá thế giới đến 5 triệu đồng/lượng, không khỏi làm một số người suy diễn rằng vàng trong nước có thể sẽ diễn biến tăng một mình một chợ, không chừng vọt lên đến 50 triệu đồng/lượng trong năm nay.
Thế nhưng rõ ràng là SJC – công ty kinh doanh vàng hùng mạnh nhất Việt Nam – đã “buông” chính thương hiệu vàng của họ. Mới cách đây vài tuần, vàng SJC còn có giá cao hơn các thương hiệu khác đến 4 triệu đồng/lượng, song vào thời điểm này, dường như mọi thương hiệu cùng “đồng cảm” trong xu thế lao dốc.
2013 cũng được đa số giới phân tích nhận định là một năm kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vàng thế giới và cả trong nước. Nói cách khác, việc tìm ra “sóng” vàng sẽ là điều hết sức khó khăn, không khác mấy năm 2012, thậm chí còn có thể tệ hơn năm ngoái nếu giá vàng trong nước nằm trong kênh đi xuống.
Cũng trong suốt năm 2012, cho dù mặt bằng giá chứng khoán Mỹ đã được đẩy cao hơn 12-15%, nhưng giá vàng thế giới đã không thể chạm mốc 1,800 USD/ounce, phá tan hy vọng tái lập lại mức đỉnh 1,923 USD/ounce của nó vào tháng 8/2011.
Điều đó cũng có nghĩa là giá vàng tại Việt Nam đang nằm trong xu hướng “đồng pha” với giá vàng thế giới, và một cận cảnh giá vàng trong nước có thể lui về vùng 40-41 triệu đồng/lượng, tương đương với giá vàng thế giới ở vùng 1,600-1,650 USD/ounce, là không quá khó khăn.
Hai trong một. Lần thứ hai trong vòng một năm, giới đầu cơ vàng phải căng đầu suy tính về việc đổ tiền vào một kênh đầu tư khác. Chứng khoán hay bất động sản?
Việt Thắng (Vietstock)
Finfonet
|