Ế nặng, thép vẫn nhập siêu 5 tỷ USD
Dù trải qua một năm ế ẩm nhưng nhập siêu của ngành thép vẫn đứng đầu với 5 tỷ USD.
Gánh nặng nhập siêu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, 2012 thép xuất khẩu đạt gần 2 triệu tấn với doanh thu gần 2 tỷ USD. Trong khi đó nhập khẩu ở mức gần 7 tỷ USD. Tính ra, với nhập siêu 5 tỷ USD, ngành thép vẫn dẫn đầu cả nước về nhập siêu.
Thép vốn được coi là một ngành công nghiệp quan trọn nhưng thay vì trở thành một ngành kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế thì lại đang là gánh nặng với nhập trong nhiều năm qua.
Theo Hiệp hội Thép, đến nay Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất thép xây dựng và chủ yếu nhập phôi để cán nguội sản phẩm. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 45% phôi và 80% thép phế liệu. Sản xuất thép càng phát triển thì nhập diêu càng lớn.
Một nguyên nhân khác là tình trạng đầu tư trần làn, phá vỡ quy hoạch. Nếu như trước năm 2000 chỉ có Tổng công ty Thép Việt Nam và 5 liên doanh giữa DN này với nước ngoài thì đến nay Việt Nam đã có đủ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất thép.
Trong đó, có khoảng 120 DN chuyên sản xuất thép xây dựng nhưng chỉ có 26 DN nằm trong diện quy hoạch.
Thời gian qua, làm thép có lợi nhuận không nhỏ, với tăng trưởng từ 20%-30%/năm, đã kích thích các DN đầu tư vào sản xuất bằng mọi giá. Điều này lại nhận được sự "hợp lực" nhiệt tình từ các địa phương khi "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư... kết quả là cho ra đời hàng loạt các nhà máy thép không đủ điều kiện.
Tình trạng đầu tư tràn lan, phá vỡ quy hoạch trong xây dựng các nhà máy thép đã gây nên sự mất cân đối trầm trọng trong sản xuất thép hiện nay.
Trong số các dự án được cấp phép, những sản phẩm trong nước đã sản xuất được như thép xây dựng, thép ống… lại đầu tư gần gấp đôi nhu cầu, trong khi nhiều sản phẩm thép khác như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép không gỉ không được chú ý đầu tư. Hiện tại mỗi năm phải nhập trên 5 triệu tấn.
Bên cạnh đó, do các DN chỉ tập trung đầu tư cho cán thép để thu lợi ngay, bỏ qua khâu thượng nguồn (luyện phôi), khiến cho phôi thép thiếu luôn phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Nguy cơ thua trên sân nhà
Hậu quả là mặc dù nhiều sản phẩm thép trong nước sản xuất được có công suất cao hơn so với nhu cầu nhiều lần nhưng vẫn không cạnh tranh được với thép nhập khẩu.
Chẳng hạn như sản phẩm thép cán nguội, mặc dù năng lực sản xuất 3,47 triệu tấn/năm hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu 1,3 triệu tấn/năm trong nước, nhưng năm 2012 đã có khoảng 100.000 tấn thép cán nguội được nhập khẩu. Mặt hàng này nhập khẩu phải chịu thuế suất 5% nhưng với lượng thép nhập về lớn cho thấy sức cạnh tranh rất yếu của thép trong nước.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam thiếu một chiến lược toàn diện về ngành công nghiệp thép. Với tầm nhìn ngắn hạn, chỉ tập trung đầu tư cho cán thép, khiến công suất dư thừa, mất cân đối, cản trở việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, không quan tâm chất lượng hay an toàn.
Theo Hiệp hội Thép thì tình trạng nhập siêu lớn trong ngành thép với kim ngạch vượt hàng tỷ USD sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa mà không thể giải quyết dứt điểm được.
Vài năm tới, khi chính sách bảo hộ chấm dứt đối với sản xuất thép, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng trong đó có thép. Như vậy, thị trường thép trong nước sẽ đón nhận luồng hàng nhập khẩu với giá thành thấp, chất lượng cao từ nước ngoài và nhập siêu khó có thể giảm, thậm chí có thể tăng do sức cạnh tranh của các DN trong nước quá yếu.
Trong khi đó, xuất khẩu thép ngày càng khó khăn. Thép ống, tôn mạ... là những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam lại đang đối mặt với kiện chống bán phá giá tại nhiều nước, thép xây dựng xuất khẩu không nhiều.
Tình hình khủng hoảng hiện nay khiến các DN thép lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để sàng lọc, buộc phải cấu trúc lại. Những DN không đủ khả năng sẽ bị loại bỏ. Những nhà máy lạc hậu, quy mô nhỏ sẽ bị đào thải, hoặc các DN sẽ phải liên kết với nhau, tạo dựng thành những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được.
Tuy nhiên ngoài việc DN tự cấu trúc lại, Bộ Công thương cần phải rà soát, chấn chỉnh các dự án thép nằm ngoài quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư.
Thâm chí, thu hồi giấy phép, không bổ sung thêm các dự án sản xuất những sản phẩm thép vốn đã quá thừa so với nhu cầu. Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm đang phải nhập khẩu để giảm bớt nhập siêu. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư FDI, dứt khoát loại bỏ nếu đó chỉ là dạng dự án chiếm đất tìm cơ hội chuyển nhượng kiếm lời.
Những DN thép không còn đủ sức cạnh tranh do công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại nhà máy cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất hiệu quả.
Trần Thủy
Vietnamnet
|