Thứ Hai, 24/12/2012 09:22

Tìm giải pháp thoát cảnh “ba giảm”

Giữa năm 2012, giới chuyên gia thương mại từng dự báo tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng cuối năm sẽ tăng dần khi Nghị quyết 13/CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) phát huy hiệu quả.

Thị trường bất động sản ảm đạm đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất thép.

Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh ngược lại khi lần đầu tiên, các doanh nghiệp (DN) SXKD thép trong nước cùng một lúc phải đối diện với "ba giảm": Tiêu thụ giảm, giá giảm và sản xuất giảm.

Thị trường giảm mạnh

Riêng trong tháng 11/2012, toàn ngành thép tồn kho khoảng 330.000 tấn. Đầu tháng 12/2012, sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép giảm 10 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thép xây dựng không tăng và trở thành nhóm hàng gặp khó khăn nhiều nhất.

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam, tính đến đầu tháng 12, toàn hệ thống sản xuất thép thành phẩm các loại của DN đạt 233,7 ngàn tấn, sản lượng tiêu thụ 249,4 ngàn tấn. Tuy nhiên, tại cùng thời điểm này, lượng tồn kho thép thành phẩm các loại khoảng còn 163,8 ngàn tấn, đã giảm 14% so với thời điểm đầu tháng 11/2012.

Từ đầu năm đến nay, ngành thép Việt Nam đã nhập siêu gần 5 tỷ USD. Tồn kho lớn, tiêu thụ kém, thị trường cạnh tranh khốc liệt, khiến nhiều DN đang "hấp hối", đứng trước nguy cơ phá sản. Hai khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ mà các DN thép đang phải đối mặt chính là nhu cầu tiêu dùng thép giảm sút và sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập.

Thị trường bất động sản vẫn đóng băng, nên dù DN đã tích cực giảm giá bán, thậm chí gần về sát với giá thành sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ, tạo việc làm cho người lao động, nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN, Chính phủ cần giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho thép xây dựng để kích cầu, tránh phá sản hàng loạt. Bên cạnh đó, cần hâm nóng thị trường bất động sản, siết chặt hoạt động tại các cửa khẩu để ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu (NK) tràn lan...

Các bộ, ngành đang thực hiện tích cực một số chế tài hạn chế NK thép, trong đó có sử dụng hàng rào phi kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng, những giải pháp này cần được tiến hành "mạnh tay" hơn nữa mới mong phát huy hiệu quả.

Cũng theo ông Hưng, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, các hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng các hàng rào phi thuế quan, nhằm ngăn chặn hàng NK, nhất là hàng kém chất lượng.Bản thân DN trong ngành, quan trọng nhất là phải nỗ lực giảm giá thành hơn nữa để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, DN nên tích cực liên kết với nhau, mở rộng thị trường để chia sẻ thị phần bán hàng hợp lý, tìm kiếm thị trường XK mới giảm được áp lực trong nước, hoặc phối hợp cùng Nhà nước tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại ở các nước trong khu vực…

 “Nếu cứ đà tiêu thụ giảm như hiện tại thì cả năm 2012, toàn ngành sẽ tăng trưởng "âm" tới 10%. Những ngày cuối năm 2012 và kể cả quý I/2013 cũng chưa có gì đặc biệt để có thể nghĩ tới những chuyển biến tích cực trên thị trường. Thậm chí, giới chuyên gia còn dự báo, 2013 sẽ là một năm u ám đối với thị trường thép Việt Nam.” - Ông Nguyễn Tiến Nghi Phó Chủ tịch VSA

Linh Chi

Kinh Tế Đô Thị

Các tin tức khác

>   Những nỗi lo từ siêu dự án thép (11/12/2012)

>   Ngành thép: Không phải tất cả đều lao đao (07/12/2012)

>   Citigroup dự báo giá 17 hàng hóa quan trọng nhất thế giới năm 2013 (29/11/2012)

>   Dư thừa hàng triệu tấn thép (29/11/2012)

>   DN ngành thép: Không có đại dương xanh (20/11/2012)

>   Ngành thép nhập siêu hơn 4,7 tỉ đô la Mỹ (15/11/2012)

>   Ngành thép dự báo mức tăng trưởng âm 12% (07/11/2012)

>   Tôn mạ màu tiếp tục nguy cơ bị kiện phá giá (21/10/2012)

>   Mỹ chấm dứt điều tra chống trợ giá với ống thép VN (19/10/2012)

>   Ngành thép cần liên kết (15/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật