Chủ Nhật, 13/01/2013 14:46

Dung Quất: 6 cảng biển, vẫn chật?

Trong các khu kinh tế (KKT) miền Trung, có lẽ Dung Quất có nhiều cảng biển nhất khi đang sở hữu 2 cảng nước sâu. Nếu tính các cảng chuyên dụng của 4 nhà máy Doosan Vina, Đóng tàu Dung Quất, Lọc hóa dầu Bình Sơn, mai mốt sẽ thêm nhà máy thép nữa thì con số đã ngót nghét 6 cảng. Vậy nhưng, lãnh đạo tỉnh vẫn cho rằng chật chội cho các phương tiện vào xuất nhập hàng. Vậy nên, một cảng nước sâu nữa mang tên Dung Quất 2 đang được xúc tiến đầu tư xây dựng.

Cụm cảng trong khu kinh tế Dung Quất.

Tàu về cảng giảm

Nửa tháng qua, từng đoàn xe tải chở dăm gỗ nối đuôi nhau chờ chực trước cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) để xuất hàng cho các tàu trọng tải lớn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Một lái xe chở gỗ dăm thuê cho một doanh nghiệp từ huyện Núi Thành (Quảng Nam) vào cảng Dung Quất, cho biết do thời tiết thất thường nên phải đợi chờ tàu mở hầm hàng. “Có hôm đợi tàu đến cảng trễ, làm thủ tục mất thêm vài giờ, chúng tôi phải ngủ qua đêm trong giá lạnh từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới xuất được hàng cho tàu. Doanh nghiệp thuê chở hàng mỗi ngày trả công vài trăm ngàn đồng, đợi chờ lâu tốn chi phí lớn”.

Theo lý giải của đại diện cảng Dung Quất, thị trường dăm gỗ bị chững lại hai tháng liền trong tháng 7, 8 do rớt giá, vào những ngày cuối năm này, giá cả tăng nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất nhiều. Do vậy, hàng trăm xe tải chở gỗ dăm đổ dồn ùn ứ qua cảng để bù lại thời gian đình trệ giữa năm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Duy Ngọc, Giám đốc Cảng Gemadept Dung Quất: “Nhà máy dăm gỗ được xây dựng ngày càng nhiều đã nảy sinh tình trạng cạnh tranh vùng nguyên liệu “thiếu lành mạnh”. Một số nhà máy đã mua cả cây keo non chế biến dăm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu dăm gỗ chung của khu vực miền Trung. Chỉ tính riêng tại các bến cảng tại KKT Dung Quất, nếu năm 2011 đón khoảng 10 tàu hàng, năm nay giảm xuống chỉ còn 5 tàu cập bến.

Dù vậy, lãnh đạo Cảng vụ Quảng Ngãi vẫn tự hào, đến hết tháng 11-2012, cảng Dung Quất có trên 12,5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập qua cảng. Dung Quất hiện đứng đầu các cảng trong khu vực và đứng thứ 5 toàn quốc về lượng hàng hóa qua cảng, sau TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Theo một chuyên gia cảng, số liệu này được tính gộp từ lượng hàng nhập và xuất của Nhà máy lọc dầu (chiếm gần 11 triệu tấn/năm), Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina… chứ theo thống kê của Cảng Dung Quất (bến số 1 hiện đang sử dụng) và Gemadept Dung Quất, trong năm 2012, số gỗ dăm xuất qua 2 cảng này chỉ đạt trên 2,5 triệu tấn. Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2013, thị trường xuất khẩu dăm gỗ ở Quảng Ngãi sẽ giảm khoảng 10% do nguồn nguyên liệu bấp bênh, thị trường Trung Quốc không ổn định nên lượng hàng qua cảng Dung Quất sẽ còn tụt giảm nữa.

Tiếp tục xây cảng nước sâu

Đã có nhiều tranh luận gay gắt tại các hội thảo, diễn đàn rằng miền Trung, nhất là Quảng Ngãi, không nên làm cảng nước sâu vì vùng đất này còn nghèo, nghèo về tài nguyên khoáng sản, hàng hóa sản xuất… cũng nghèo.

Cũng có quan điểm cho rằng, vị trí mặt tiền đắc địa của vùng này cần có cảng nước sâu để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đến khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng, kèm theo đó là các thiết bị siêu trường, siêu trọng được nhập về bằng đường biển, các tranh luận ấy mới tạm lắng xuống và cảng nước sâu Dung Quất được khẳng định có vai trò mấu chốt quan trọng để KKT này phát triển. Có thể khẳng định, nếu không có cảng biển nước sâu, thì Dung Quất sẽ không có các nhà máy lọc hóa dầu và công nghiệp nặng.

Sự ra đời của cảng biển nước sâu và KKT Dung Quất đã thật sự là chiếc chìa khóa mở ra sự phát triển về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, với việc đang hiện hữu một cụm cảng hiện có: bến chuyên dụng xuất sản phẩm dầu khí, bến nhập nguyên liệu dầu thô, bến cảng số 1, bến chuyên dụng của Doosan - Vina, Gemadept. Việc xây dựng thêm một cảng nước sâu mới mang tên Dung Quất 2 (ban đầu mang tên cảng Mỹ Hàn) liệu có tăng thêm cú hích cho Dung Quất?

Theo lý giải của BQL KKT Dung Quất, tại KKT này, chủ yếu phát triển công nghiệp nặng với đặc trưng là hoạt động của các nhà máy luôn đi kèm với xây dựng cảng chuyên dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm có khối lượng, kích thước lớn. Chính vì điều này nên cảng Dung Quất bị “xé lẻ” và trở nên quá chật, không thể đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư đến sau. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300ha lên 45.332ha, chuyện làm cảng Dung Quất 2 là nhu cầu cấp bách để đáp ứng tiếp nhận tàu đến 300.000 tấn (hiện tại cảng Gemadept cũng đã tiếp nhận tàu tải trọng loại này).

Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Cảng Dung Quất 2 là dự án quan trọng đối với Quảng Ngãi và khu vực miền Trung. Để vươn ra biển lớn, Dung Quất phải làm nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là khởi động sớm cảng Dung Quất 2. Bởi lẽ, nếu không có cảng nước sâu này Dung Quất mãi mãi chỉ là một khu công nghiệp của lọc hóa dầu và một vài dự án công nghiệp nặng.

Hà Minh

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Dịch vụ góp phần vào tăng trưởng và những vấn đề đặt ra (13/01/2013)

>   Không đồng ý miễn thuế xuất khẩu cao su (13/01/2013)

>   Năm 2013, giá điện sẽ tăng hơn 7% (13/01/2013)

>   Lối nào cho casino vào Việt Nam? (12/01/2013)

>   Tập đoàn Dầu khí kêu gọi các 'ông lớn' tiêu thụ xăng E5 (12/01/2013)

>   Dự án lọc dầu 27 tỷ USD trình lên Thủ tướng (12/01/2013)

>   Đại gia công nghệ “đổi ngựa giữa dòng” (12/01/2013)

>   Hai liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài (12/01/2013)

>   Đã có dự thảo khung pháp lý mới cho tập đoàn nhà nước (12/01/2013)

>   Ngành da giày hướng tới giá trị xuất khẩu 8 tỷ USD (11/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật