Dịch vụ góp phần vào tăng trưởng và những vấn đề đặt ra
Dịch vụ là xu hướng phát triển của nền kinh tế và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, dịch vụ và xuất nhập khẩu dịch vụ cũng đặt ra một số vấn đề.
Kết quả tích cực
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ có vai trò quan trọng với tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, tác động trực tiếp đến nhóm ngành sản xuất vật chất (nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng), làm tăng giá trị gia tăng cho những ngành đó. Trong tương lai, khi tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP tăng cao thì vai trò này càng lớn.
Phát triển khu vực dịch vụ là xu hướng trên thế giới. Phát triển khu vực dịch vụ trước hết nhằm góp phần chuyển dịch dần khu vực sản xuất sản phẩm vật chất sang nước khác, nhất là các nước đang phát triển để tận dụng lực lượng lao động rẻ.
Ngoài ra, xu hướng này còn nhằm giảm ô nhiễm môi trường do sản xuất ở nước mình, để chuyển sang nước khác. Điều này lý giải tại sao những nước phát triển nhập siêu về hàng hóa nhưng lại xuất siêu về dịch vụ. Trong khi, các nước đang phát triển thì ngược lại, xuất siêu về hàng hóa, nhập siêu về dịch vụ.
Xuất nhập khẩu dịch vụ qua các năm (Tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Ở Việt Nam, phát triển khu vực dịch vụ và xuất nhập khẩu về dịch vụ thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ từ năm 2005 đến nay liên tục cao hơn mức tăng trưởng GDP: Năm 2005: tương ứng 8,48% và 8,44%; năm 2006: 8,32 % và 8,23%; năm 2007: 8,85 % và 8,46%; năm 2008: 8,41 % và 6,32%; năm 2009: 6,63 % và 5,32%; năm 2010: 7,54 % và 6,78%, năm 2011: 6,99% và 5,89%; năm 2012: 6,42% và 5,03 %.
Tăng trưởng dịch vụ còn cao hơn ngành công nghiệp- xây dựng. Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ liên tục tăng lên: Năm 1990 là 15,8%, năm 1995 là 17,4%, năm 2000 là 21,8%, năm 2005 là 26,3%, năm 2010 là 29,6%, năm 2011 là 30,3%, năm 2012 là 31,4%.
Năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ cao hơn của toàn bộ nền kinh tế: Năm 2005: tương ứng 28,7 triệu đồng và 19,6 triệu đồng; năm 2010: 52,2 triệu đồng và 40,3 triệu đồng; năm 2012: 68,4 triệu đồng và 57,1 triệu đồng.
Điểm đáng chú ý là xuất khẩu dịch vụ tăng liên tục và chỉ bị ngắt quãng (giảm) vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 2005- 2012, xuất khẩu dịch vụ đã tăng 2,2 lần, bình quân tăng trưởng 11,8%/năm. Tốc độ này tương đối cao trong điều kiện Việt Nam mới hội nhập về lĩnh vực dịch vụ.
Trong đó, xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng với tốc độ cao nhất, năm 2012 đạt 18%, gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của khu vực dịch vụ. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2012 tăng lên 70,2% so với mức 63,3% của năm 2011. Kết quả này là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới và chi tiêu bình quân của khách du lịch tăng khá. Nhờ có xuất siêu dịch vụ du lịch với 4,7 tỷ USD, đã góp phần hạn chế nhập siêu trong lĩnh vực dịch vụ.
Những vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực như trên nhưng khu vực dịch vụ và xuất nhập khẩu dịch vụ cũng còn một số vấn đề.
Thứ nhất, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP, sau khi đạt đỉnh 44,06% vào năm 1995, đã liên tục giảm xuống trong 10 năm sau đó. Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá trong mấy năm gần đây nhưng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP năm 2012 vẫn ở mức 37,7%.
Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ trong tổng số lao động trong toàn bộ nền kinh tế có tăng lên nhưng tỷ trọng đóng góp trong GDP lại không tăng, thậm chí có năm còn giảm.
Điều này chứng tỏ năng suất lao động của khu vực dịch vụ tăng chậm, chủ yếu do lao động trong một số ngành khu vực dịch vụ chưa có tính chuyên nghiệp cao. Một số dịch vụ như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm.
Thứ hai, quy mô xuất khẩu dịch vụ còn rất nhỏ. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ giảm từ 11,6% năm 2005 xuống 7,6% năm 2012.
Thứ ba, Việt Nam liên tục nhập siêu dịch vụ và tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu còn lớn. Năm 2012, nhập siêu dịch vụ là 3,1 tỷ USD, bằng 33% xuất khẩu dịch vụ. Duy nhất dịch vụ du lịch xuất siêu, còn lại đều nhập siêu, kể cả những dịch vụ quan trọng như vận tải, viễn thông, tài chính, bảo hiểm…
Trong đó, nhập siêu lớn nhất là dịch vụ vận tải. Năm 2012, xuất khẩu dịch vụ vận tải đạt 2,1 tỷ USD nhưng nhập khẩu dịch vụ vận tải tới 8,7 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn mất thị trường dịch vụ vận tải cho nước ngoài.
Ngay trong “điểm sáng” dịch vụ du lịch, tuy xuất siêu khá nhưng tỷ lệ khách du lịch/100 dân còn thấp so với một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hongkong...
Minh Ngọc
Chính phủ
|