Thứ Sáu, 18/01/2013 15:44

“Đừng nói gạo ế quá”

Ngay tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra sáng 16/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đã có văn bản chính thức ủng hộ chủ trương tạm trữ hết lúa gạo hàng hóa cho dân.

Chuyển khó khăn thành thuận lợi

Chỉ còn hai tuần nữa, ông Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ thôi cương vị điều hành tại Vinafood 2, nơi mà ông đã nắm giữ từ năm 2003. Tuy thế, những ngày cuối đối với ông có nhiều ý nghĩa, khi đề xuất lên Chính phủ về việc gỡ khó tồn kho lúa gạo cho nông dân trong vụ Đông Xuân tới đã được thông qua.

“Năm 2013 lại quay trở về tình hình cực khó khăn”, ông Phong nói vậy tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra sáng 16/1.

Nhìn lại năm 2012, ngay từ đầu năm nhiều nhận định đã cho rằng tình hình xuất khẩu gạo sẽ không dễ dàng. “Dù biết trước và chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp tháo gỡ, được Chính phủ hỗ trợ bằng nhiều chính sách… nhưng tiêu thụ gạo trong quý I/2012 vẫn giảm mạnh so với năm 2011”, ông Phong nhớ lại.

Số liệu từ Tổng tục Hải quan tại thời điểm đó cho biết, đến hết tháng 3/2012, xuất khẩu gạo chỉ đạt hơn 1,3 triệu tấn với giá trị kim ngạch hơn 640 triệu USD; xét về khối lượng giảm khoảng 32% so với năm 2011, trong khi về giá trị giảm trên 33%. Tuy nhiên, sau đó tình hình tiêu thụ “sáng” dần khi các DN tăng tốc quyết liệt từ ngay quý II/2012.

“Tôi nhớ ngày 28/6 trong cuộc họp do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, tôi đã hứa rằng năm nay ngành lương thực phấn đấu hai mục tiêu lớn là xuất khẩu chắc chắn 7,5 triệu tấn gạo nhưng phấn đấu đạt cao hơn tới 7,7-7,8 triệu tấn, và vươn lên số một thế giới. Tuy nhiên, số một không nổi”, ông Phong nói.

Nếu nhìn lại công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, tình thế của năm 2012 đã tốt hơn nhiều trước đây. “Chúng ta đã chuyển khó khăn thành thuận lợi”, ông Phong nhìn nhận. Cũng theo Tổng giám đốc Vinafood 2, công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm qua được thực hiện tốt hơn nhiều nước. Trong khi Thái Lan giảm 33%, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ giảm 2% so với năm 2011.

Một thay đổi đáng kể khác là chất lượng gạo xuất khẩu được nâng lên, tính riêng gạo thơm xuất khẩu đã tăng 50% so với năm 2011. Nhiều thị trường ưa chuộng gạo thơm thì gạo Việt Nam đã chiếm lĩnh được như HongKong, Malaysia, thậm chí Trung Quốc… Trong đó, riêng với thị trường HongKong, gạo thơm Việt Nam chiếm 60%. “Năm 2012, ngành lương thực đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho dân; đảm bao an ninh lương thực và giữ được giá có lợi cho người trồng lúa”, ông Phong nói.

Theo thông tin tại Hội nghị sáng 16/1, trong năm 2012 các DN đã thu mua khoảng 8,8 triệu tấn lúa gạo hàng hóa, trong khi xuất khẩu được khoảng 8 triệu tấn. Mức giá bình quân thu mua khoảng 5,5 nghìn đồng/kg, trong khi chi phí cao nhất khoảng 3,8 nghìn đồng/kg. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho người trồng.

Sẽ thu mua hết lúa gạo hàng hóa

Tuy nhiên, bước sang năm 2013 tình hình dường như trở lại khó khăn hơn hồi đầu năm 2012. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân năm nay sẽ thu hoạch sớm khoảng một tháng và ngay trong quý I/2013 sẽ có thêm 3,8 triệu tấn lúa gạo hàng hóa cung cấp ra thị trường. Nếu tính thêm lượng gạo hiện tạm trữ tại các DN thì ngay cả khi xuất khẩu hết 1,4 triệu tấn vẫn còn tồn khoảng 3,2 triệu tấn lúa gạo. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực tính toán rằng, lượng gạo lớn đang còn tồn tại nhiều quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ tồn 33 triệu tấn, Thái Lan tồn 13 triệu tấn và con số này còn tăng sau vụ thu hoạch tới.

Ngược lại, các đối tác nhập khẩu gạo lớn tại châu Á, châu Phi gần như không nhập trong quý I/2013. Trung Quốc tuyên bố sẽ giữ hạn ngạch nhập khẩu gạo như 2012 nhưng chưa phát quota. “Quý I/2013 sẽ rất khó khăn. Mặc dù hợp đồng nhiều nhưng phải tháng 4 mới giao hàng”, ông Phong cho biết. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu gạo của năm nay lại đặt ra nhiều thách thức, với mức tối thiểu phải xuất khẩu 7,5 triệu tấn nếu không muốn tồn kho cao, gây sức ép lên sản xuất và giá bán. “Chúng tôi chỉ đạo DN bám sát thị trường, dù khách hàng mua lượng ít cũng đem bán”, ông Phong cho hay.

Đánh giá chung là tiêu thụ lúa gạo trong quý I/2013 sẽ khó khăn hơn năm 2012. “Đề nghị Chính phủ cho tạm trữ lúa gạo ngay vì ngay tháng tới sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu tấn lúa gạo hàng hóa, tháng 3/2013 có thêm 1,7 triệu tấn”, ông Phong khẩn thiết.

Phía Hiệp hội Lương thực mới đây đã chính thức đề nghị lên Chính phủ cho phép tạm trữ 1,5 triệu tấn lúa hàng hóa với chính sách ưu đãi như năm 2012. Ngoài con số này, bản thân các DN cũng “hứa” chủ động tạm trữ thêm khoảng 1,2 triệu tấn. Ông Phong cũng đề xuất áp dụng cơ chế tạm trữ cho cả lúa thơm vì chủ trương hiện nay là khuyến khích sản xuất lúa chất lượng cao, trong khi trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể, nên các chính sách ưu đãi khi tạm trữ không được áp dụng với loại lúa này.

Ngay tại Hội nghị sáng 16/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đã có văn bản chính thức ủng hộ chủ trương tạm trữ hết lúa gạo hàng hóa cho dân.

“Khó khăn thì DN phải đứng ra hỗ trợ nông dân, không để sụt giảm mạnh sản xuất nông nghiệp”, ông nói.

Thủ tướng khẳng định, toàn bộ lượng lúa hàng hóa từ vụ Đông Xuân, ước khoảng 3,2 triệu tấn sẽ được hỗ trợ để “vô kho hết”. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý rằng, thế giới hiện nay vẫn thiếu lương thực. Trong khi ở trong nước có sẵn nguồn lực tài chính hỗ trợ tạm trữ, kho bãi có khả năng trữ khoảng 5 triệu tấn. “Đừng nói gạo ế quá” Thủ tướng nói và khẳng định: “Tạm trữ để 5 - 3 tháng ta bán. Hoàn toàn khả năng chúng ta làm được”.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giá cà phê đang cao nhất trong 2 tháng (17/01/2013)

>   Singapore giảm nhập gạo Thái, tăng mua gạo của VN (16/01/2013)

>   Nhu cầu cao đẩy giá nông sản tăng phiên đầu tuần (16/01/2013)

>   Nghịch lý sản xuất hồ tiêu (16/01/2013)

>   Xuất khẩu gạo quý I có thể đạt 1,4 triệu tấn (15/01/2013)

>   Xuất khẩu nông sản – phía sau câu chuyện thần kỳ: Tổ chức lại sản xuất (15/01/2013)

>   Thị trường cà phê Châu Âu: cà phê Brazil và Colombia được tìm kiếm (15/01/2013)

>   Thị trường hạt tiêu nóng lên do nhu cầu nội địa (15/01/2013)

>   Giá lúa gạo vẫn chịu áp lực giảm (14/01/2013)

>   Đề xuất tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo (11/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật