Dòng chảy ngược VDB
Cho đến cuối tuần trước, kết luận của thanh tra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (OTC: VDB) mới được công bố, chậm hơn 1 năm so với thời hạn quy định vì những rắc rối khi phân tích nợ ở tổ chức tín dụng này.
Trên thực tế VDB là một tổ chức tín dụng nhưng lại không chịu sự quản lý đầu đủ của Ngân hàng Nhà nước. Và thay vì có hội đồng quản trị như các ngân hàng khác VDB lại có hội đồng quản lý gồm nhiều thành viên là thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sự lưỡng thể trong quy định quản lý, hoạt động ở VDB suốt bảy năm, tất yếu để lại những hậu quả, mà rõ nhất là nợ xấu đến hết năm 2010 được Thanh tra Chính phủ công bố là 22.600 tỉ đồng, bằng 12,57% tổng dư nợ ngành ngân hàng và các hoạt động tín dụng khác cũng nằm ngoài thống kê chung của ngành ngân hàng.
Theo Thanh tra Chính phủ, VDB chỉ được cho vay tín dụng đầu tư và xuất khẩu theo đúng đối tượng được Nhà nước quy định hoặc khuyến khích. Thực tế không như vậy. VDB cho vay chưa đúng đối tượng, thẩm định không đúng quy định, vi phạm trong khâu giải ngân vốn. Mỗi sai phạm đều có giá trị giải ngân từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. Ví dụ như sai phạm trong khâu giải ngân vốn vay ở 41 dự án (đến hết tháng 6/2011) đã có dư nợ đến 3.100 tỉ đồng, trong đó nhiều khoản vay đã biến thành nợ xấu.
“Qua thanh tra việc cho vay tín dụng đầu tư và xuất khẩu tại VDB cho thấy tình trạng vi phạm các quy định diễn ra ở nhiều dự án dẫn đến nợ xấu tăng cao, khó có khả năng thu hồi vốn”, kết luận thanh tra viết. Và điều này lý giải phần nào một thực tế là nhiều donah nghiệp, dù không phải đối tượng được vay, nhưng vẫn tìm mọi cách vay vốn ở VDB bởi nguồn vốn (từ ngân sách) ở đây dồi dào, lãi suất thấp (do cơ chế được cấp bù lãi suất) và thời gian trả nợ cũng như điều kiện vay đôi khi dễ hơn nhiều so với ở các NHTM.
Giới doanh nghiệp lâu nay vẫn kháo nhau các cửa chạy vốn vay ở VDB. Thực hư thế nào chưa thể khẳng định song với những sai phạm mà thanh tra chỉ ra, người ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao VDB lại dễ dàng mắc nhiều sai phạm thuần túy về mặt nghiệp vụ trong quá trình cho vay vốn? Liệu rằng nhiều doanh nghiệp có phải trả thêm các khoản “lãi” ngoài hợp đồng để được vay vốn ở VDB?
Theo kết luận của thanh tra, dù không đuoc phép của chính phủ, Tổng giám đốc VDB vẫn ban hành quy định về cho vay thí điểm với con số dư nợ lên tới 260 tỉ đồng. Kết quả là quy định này đã mang về cho VDB 85,27% tổng số nợ xấu và khả năng thu hồi là rất khó.
VDB là ngân hàng chính sách, được bố trí, cấp phát vốn từ ngân sách, từ vốn phát hành trái phiếu trên thị trường (Chính phủ bảo lãnh), vốn ODA do Chính phủ giao để cho vay lại các dự án…Vì vậy hiệu quả cho vay của VDB ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nợ công, khả năng cân đối ngân sách và trả nợ. Chỉ với bản kết luận thanh tra, ở những vụ việc cụ thể, công luận cũng chưa thể biết hết được toàn cảnh ở VDB.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng VDB huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu có kỳ hạn thường chỉ 2-5 năm, nhưng lại cho vay kỳ hạn dài, thông thường là 12 năm, có những trường hợp lên tới 15 nă, nên việc đảm bảo cân đối dòng tiền với VDB là rất khó, mà nhiều khoản cho vay có độ rủi ro rất lớn. Mặt khác với những quy định hiện hành, rất khó buộc được cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cuả lãnh đạo VDB vì Bộ Tài chính không thể giám sát hoạt động của VDB tốt hơn NHNN, nhưng NHNN lại không được thực hiện đầy đủ quyền này.
Một phó tổng thanh tra chính phủ nói với TBKTSG rằng trong nhiều cuộc họp về kết quả thanh tra ở VDB với Chính phủ, ông đã đề nghị chuyển VDB về NHNN quản lý còn Bộ Tài chính chỉ quản lý dòng tiền ở nơi này mà thôi. Song vấn đề này không được bàn tiếp.
Phải chăng vì thế cái thiếu lớn nhất trong kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về VDB là đề xuất việc thay đổi hệ thống quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng này, buộc nó phải tuân thủ theo đúng các quy định về quản lý ngân hàng, bóc tách riêng các quy định về việc thực hiện chính sách theo chỉ định của Chính phủ. Và nếu cứ để VDB như một định chế tài chính đứng ngoài dòng chảy của hệ thống ngân hàng, hầu như không được nhắc đến trong đề án tái cơ cấu ngân hàng thì định chế tài chính này sẽ còn nằm trong “bóng mờ” của thị trường tiền tệ.
Ngọc Lan
TBKTSG
|