"Cứu" bất động sản: Triển khai giải pháp mạnh từ đầu năm
Các địa phương tự đề xuất thu hồi dưới 1% tổng số dự án thuộc diện phải thu hồi, trong khi Bộ Xây dựng muốn con số đấy là 30 - 40%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công bố tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành năm 2013.
Nhiều dự án triển khai dở dang làm mất niềm tin với khách hàng
|
Đề xuất tăng thu hồi dự án
Ông
Nam
nói, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những tiêu chí cụ thể để làm căn cứ ra quyết định thu hồi dự án không phù hợp.
Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã làm “nóng” hội trường khi dẫn ra câu chuyện trước ngày có quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, có vài xã của tỉnh Hòa Bình trong một đêm cấp mấy chục dự án. Ông Hùng cho rằng, trong thời gian vừa qua do phân cấp quá lớn cho địa phương, do thả nổi thị trường, thiếu kiểm tra tổng hợp nên nhiều địa phương như Hà Nội, TP. HCM đã cấp phép tràn lan nhiều dự án không phù hợp với thị trường và tình hình kinh tế địa phương, dẫn tới cung vượt cầu, kể cả số lượng lẫn các loại hình dự án.
“Việc cấp phép dự án nhà ở thiếu định hướng bùng nổ trong thời gian qua trách nhiệm trước hết thuộc cơ quan quản lý nhà nước khi BĐS là hàng hóa đặc biệt do Nhà nước cấp phép, quản lý”, ông Hùng nói và kiến nghị dừng cấp phép mọi dự án kiểu đô thị mới trực tiếp cho cho chủ đầu tư, mà Nhà nước cần thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, sau đó đấu giá bán cho các doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này còn yêu cầu Bộ Xây dựng ngoài các biện pháp tạm dừng, cơ cấu lại dự án và chuyển đổi sang nhà ở xã hội như đã kiến nghị cần bổ sung giải pháp thu hồi dự án, với lý do hiện nay có nhiều loại dự án cần phải thu hồi chứ không phải tạm dừng.
Đồng tình với kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, mặc dù Chính phủ mới ra nghị quyết yêu cầu rà soát lại các dự án BĐS, nhưng ngay từ tháng 7/2012, Bộ Xây dựng đã lập đoàn kiểm tra 11 tỉnh, thành, có 58 địa phương đã báo cáo gửi lên Bộ. Qua đó, Bộ Xây dựng cũng đã phân loại các dự án nào cần dừng, tạm dừng có điều chỉnh và cho tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, tại các địa phương có nhiều dự án lớn, công tác rà soát phân loại dự án vẫn chưa đạt được mong muốn của Bộ Xây dựng.
Liên quan đến chấn chỉnh cấp phép, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2013 ngành xây dựng sẽ tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý đô thị, cụ thể hóa chiến lược nhà ở, tăng quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, kiểm soát các đơn vị thực hiện.
Gánh nặng hàng tồn kho
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tổng kết, thị trường BĐS năm 2012
rất khó khăn, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Tình hình giao dịch BĐS kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch (bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch BĐS (mua, bán nhà ở của người dân) rất ảm đạm.
Đặc biệt, tại TP. HCM, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài 3 năm nay (2009 - 2012) và chưa có dấu hiệu hồi phục. Theo báo cáo của các sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội (báo cáo của 94 sàn) có 1.833 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 6.198,1 tỷ đồng; TP. HCM (báo cáo của 129 sàn) có 4.015 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 11.049 tỷ đồng. Về hàng tồn kho, Hà Nội tồn 2.392 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng; TP. HCM tồn 10.108 căn hộ chung cư, 1.131 căn nhà thấp tầng, 34.282 m2 đất nền.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường BĐS, nhằm tạo sự chuyển biến cho thị trường trong năm 2013.
Minh Nhật
Đầu tư chứng khoán
|