Thứ Sáu, 18/01/2013 14:07

Phân khúc căn hộ trung và cao cấp: Đè nặng áp lực giảm giá

Với Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ dành ưu tiên hỗ trợ các dự án nhà ở giá rẻ, phân khúc căn hộ trung và cao cấp đứng trước áp lực phải giảm giá hơn nữa để cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Nhà nước sẽ dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội cũng sẽ được vay với lãi suất và kỳ hạn hợp lý. Cụ thể, Nhà nước sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn, với thời hạn vay lên đến 10 năm, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay đối với các đối tượng nêu trên.

Đây chắc chắn là tin vui đối với các DN có các dự án kinh doanh nhà ở xã hội, như Vinaconex, HUD, Handico, Viglacera…, khi tận dụng được nguồn vốn rẻ đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, các dự án căn hộ hạng trung và cao cấp (hiện chiếm khoảng 80% số dự án bất động sản đã xây dựng hoặc dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết) lại chịu “phản ứng phụ” là sức ép giảm giá sẽ lớn hơn, khi người mua nhà có nhiều lựa chọn với những dự án căn hộ nhỏ, giá rẻ đã và sẽ xuất hiện nhiều trong tương lai gần.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà chỉ 2 ngày sau khi Nghị quyết 02/NQ-CP được công bố, Công ty TNHH CBRE Việt Nam đã đưa ra dự báo rằng, tại thị trường Hà Nội trong quý I/2013, các chủ đầu tư có thể phải giảm giá bán căn hộ tới 50% mới có thể thu hút được người mua.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cơ sở để CBRE đưa ra nhận định trên là thanh khoản trên thị trường đang thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Doanh số bán hàng của các dự án tại Hà Nội trong cả năm 2012 chỉ đạt 5.000 căn hộ, trong khi các năm 2011 và 2010 doanh số bán hàng luôn đạt trên 12.000 căn/năm. Trong khi đó, một lượng hàng tồn lớn tiếp tục đè nặng lên vai các chủ đầu tư dự án. Cho dù có nhiều tranh cãi về lượng căn hộ tồn kho tại Hà Nội, nhưng điều chắc chắn là, hiện có hàng ngàn căn hộ tại Hà Nội được chào bán mà không có người mua. Số căn hộ tồn ở Hà Nội, theo CBRE, là 20.500 căn và Hà Nội sẽ mất khoảng 4 năm để tiêu thụ hết lượng hàng tồn này.

“Năm 2013, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục phải giảm giá chào bán do áp lực cạnh tranh, với mức giảm có thể tới 30 - 50% so với giá chào ban đầu mới hy vọng bán được hàng”, ông Leech nhận định.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các DN bất động sản đang niêm yết trên sàn, như DIG, TDH, HAGBCI, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, do những DN này có quỹ đất lớn, nhưng chưa đầu tư xây dựng dự án, nên có thể chuyển đổi cơ cấu căn hộ phù hợp.

Hà Quang

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tín dụng bất động sản chờ cơ hội tăng trưởng (18/01/2013)

>   Ẩn số giá nhà năm 2013 (18/01/2013)

>   Nhiều giải pháp xử lý dự án treo (18/01/2013)

>   Thanh tra, rà soát sử dụng đất công tại nhiều dự án đô thị (18/01/2013)

>   Thuốc đã có, tác dụng còn… chờ! (17/01/2013)

>   Doanh nghiệp BĐS tìm đường “tránh bão” (17/01/2013)

>   “Muốn cứu bất động sản, phải thu hồi khoảng 40% dự án” (17/01/2013)

>   Hà Nội: Giá chung cư cao nhất gần mức 50 triệu/m2 (17/01/2013)

>   Hà Nội: Đề xuất thêm một dự án nhà ở tại Tây Hồ (17/01/2013)

>   Mua căn hộ xây thô, coi chừng trái đắng (17/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật