Chủ tịch nước: Công chức phải sống được bằng lương
Công chức phải giỏi, nhưng phải có động lực, sống được bằng lương. Từ sau 1975 tới giờ mình nói mãi nhưng vẫn chưa làm được - Chủ tịch nước nói.
Ngày 14/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và lãnh đạo TP.HCM về xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở” trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết TƯ 5 khóa 9 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã phường, thị trấn đã bộc lộ những hạn chế. Dù bộ máy tinh gọn hơn nhưng biên chế không chỉ không giảm mà còn tăng lên ở cả khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp công.
Chủ tịch nước: Toàn bộ khối sự nghiệp công mà Nhà nước dùng ngân sách trả lương thì không quốc gia nào kham nổi.
|
Thừa nhận có hạn chế này, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân lý giải, việc tăng biên chế là do khối lượng công việc liên quan đến người dân ở TP rất lớn.
Trước thực trạng này, Chủ tịch nước cho rằng, vướng mắc lớn nhất ở chỗ phường xã, thị trấn còn “lùng bùng”, lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ với cấp trên.
“Cần nhận thức lại cho đúng, thường chúng ta nói về chính quyền 4 cấp, ở trên có gì thì xã phường có nấy, như vậy là hoàn toàn sai. Phường xã đâu có làm lập pháp, đâu có ra thông tư, nghị định. Hoạt động tư pháp ở xã phường cũng không giống từ quận đến TƯ”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, Nghị quyết TƯ 5 khóa 9 ra đời có làm cho số lượng cán bộ, công chức tăng từ 400.000 - 500.000 người lên đến 1,5 triệu người. Tuy biên chế tăng rất nhanh nhưng tổng quỹ lương không tỷ lệ thuận với tổng số người hưởng lương. “Nhiều người nói chi tiền lương là chi cho đầu tư phát triển. Nói hay lắm nhưng làm không được. Ai cũng biết nhưng tiền ở đâu. Hô khẩu hiệu cải cách tiền lương, hô sao được”, ông Trương Tấn Sang tâm tư.
“Còn khối sự nghiệp công, dù Bộ Chính trị ra rất nhiều văn bản rồi nhưng thực tế hiện còn vướng mắc ghê gớm lắm. Dân số tăng thì số lượng thầy giáo, thầy thuốc tăng là tự nhiên nhưng toàn bộ khối sự nghiệp công này mà Nhà nước dùng ngân sách trả lương thì không quốc gia nào kham nổi”.
Giải pháp mà Chủ tịch nước đề ra là phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy. Tuy nhiên, theo ông, điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, đội ngũ công chức phải chết sống với công việc. “Công chức phải giỏi, phải trung thành nhưng phải có động lực và phải sống được bằng lương. Chứ từ sau giải phóng 1975 tới giờ mình nói mãi nhưng vẫn chưa làm được”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng cần giảm biên chế và dành nhiều thời gian để bàn về thẩm quyền hành chính, làm sao để không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, từ đó mới giải quyết được những bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Làm sao để công chức sống được bằng lương? Từ nay tới 2020 phải giải đáp được chuyện này. Làm sao cho thu nhập anh em khá lên thì mới có động lực làm việc. Điều gì mình cũng muốn mà anh em hỏi tiền lương bao nhiêu lại nín thinh là không được”.
Tá Lâm
vietnamnet
|