"Bẫy" của dịch vụ đáo nợ
Vay ngân hàng một số tiền nhưng chưa có khả năng thanh toán khi đến hạn trả, anh Nguyễn Thanh Huy (SN 1967, ngụ số 7 đường 33, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) buộc phải tìm đến cò nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, bằng nhiều mánh lới và thủ đoạn, các đối tượng đã giăng một cái bẫy rất khéo đẩy anh vào nguy cơ mất trắng căn nhà đang ở.
Kịch bản đáo hạn
Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Công an TPHCM, anh Huy cho biết trước đây anh có thế chấp giấy tờ căn nhà số 583 ấp Tam Hà 2, xã Linh Đông, huyện Thủ Đức (nay là số 7 đường 33, P.Linh Đông, Q. Thủ Đức) vay 1,5 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh. Ngày 23-9-2010 là thời hạn cuối cùng phải thanh toán nợ cho ngân hàng, nhưng do kinh doanh không thuận lợi nên anh chưa thể xoay ra tiền. Được một số người mách nước, anh tìm đến bà Lê Thị Thanh (SN 1978, ngụ Q10) chuyên thực hiện đáo hạn ngân hàng và được đồng ý giúp. Ngày 23-9-2010, bà Thanh cho anh Huy vay 2 tỷ đồng (thực chất anh chỉ nhận được 1,5 tỷ, còn 500 triệu là phí dịch vụ) để trả nợ.
Sau khi nhận lại được giấy tờ nhà, anh Huy thế chấp tiếp vào ngân hàng để lấy tiền trả bà Thanh. Tuy nhiên, vì đó là giấy do Sở Nhà đất trước đây cấp chứ không phải sổ hồng nên ngân hàng từ chối. Chính vì vậy, anh đành xin bà Thanh gia hạn để làm lại giấy tờ nhà, thế chấp cho ngân hàng rồi sẽ trả tiền ngay nhưng không được chấp nhận. Ngày 24-9-2010, bà buộc anh Huy phải lập hợp đồng mua bán căn nhà trên để làm tin và sau đó nhiều lần yêu cầu anh sang tên luôn căn nhà ấy cho bà để tiện việc vay vốn, nhưng anh không đồng ý. Nhiều lần thuyết phục không được, bà Thanh đề xuất để người thứ ba đứng tên giấy tờ nhà, khi có sổ mới sẽ chuyển nhượng cho anh Huy thế chấp ngân hàng lấy tiền trả nợ.
Ngày 28-12-2010, bà Thanh viết giấy đề nghị anh Huy ký hợp đồng mua bán khống cho ông Trần Xuân Cường (SN 1967, ngụ Q. Thủ Đức), trong đó ghi rõ: “Ngày 24-9-2010 tôi có ký hợp đồng mua bán căn nhà số 7 đường 33, P.Linh Đông, Q. Thủ Đức với ông Nguyễn Thanh Huy. Nay vì lý do cá nhân, tôi làm giấy này đề nghị ông Huy ký hợp đồng sang tên căn nhà trên cho ông Trần Xuân Cường để tiện việc vay vốn ngân hàng”. Bà Thanh cũng cam kết ông Cường chỉ được dùng giấy tờ nhà giúp vay vốn ngân hàng, không được tự ý bán cho người khác nếu không được sự chấp thuận.
Cũng trong bản đề nghị này, anh Huy đã viết rất rõ: “Tôi chấp nhận lời đề nghị của cô Thanh hủy hợp đồng với cô và ký công chứng chuyển căn nhà trên cho người mà cô chỉ định là ông Trần Xuân Cường được phép đứng tên giùm trên giấy tờ nhà để thuận tiện cho việc vay vốn ngân hàng. Tôi không bán căn nhà trên cho ông Cường và không giao nhà”.
Từ giấy đề nghị này, ngày 28-12-2010 anh Huy đã ký hợp đồng chuyển căn nhà trên cho ông Cường mà không biết rằng mình đang rơi vào một cái bẫy được giăng ra rất khéo để chiếm nhà.
Dùng giang hồ gây áp lực
Ngay sau khi ký hợp đồng khống bán nhà cho ông Cường, anh Huy nhận thấy có quá nhiều rủi ro nên đã nhiều lần tìm gặp bà Thanh xin trả nợ và hủy những hợp đồng khống kia. Tuy nhiên, bà này lại dùng nhiều lời ngon ngọt để làm anh yên tâm.
Ngày 7-2-2012, ông Cường gọi điện báo anh Huy biết đã làm xong giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất. Nhưng thay vì chuyển giấy tờ đó lại để anh Huy thế chấp ngân hàng lấy tiền trả nợ như cam kết thì bà Thanh lật kèo, không thực hiện mà cho rằng anh Huy đã bán căn nhà trên cho ông Cường rồi ông này bán lại cho bà hòng chiếm đoạt luôn căn nhà. Bà Thanh ra yêu sách nếu anh Huy muốn giữ lại nhà phải trả 3,5 tỷ đồng. Từ đầu tháng 12-2012 đến nay, bà liên tục gây áp lực buộc anh Huy giao nhà. Thậm chí, thời gian gần đây còn có nhiều kẻ lạ mặt leo cổng vào nhà anh quậy phá. Khi công an đến thì các đối tượng này bỏ chạy.
Đặc biệt, ngày 9-1-2013, bà Thanh còn gọi giang hồ tới phá cổng, tràn vào đe dọa đuổi gia đình anh Huy ra khỏi nhà. Rất may công an can thiệp kịp thời, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau vụ này, bà Thanh xuống nước, ra giá nếu gia đình anh muốn giữ lại căn nhà trên thì phải trả 2,8 tỷ.
Anh Huy bức xúc cho biết chỉ vì tin tưởng nên mới ký hợp đồng để tiện cho việc vay vốn đáo hạn ngân hàng chứ không hề có chuyện mua bán căn nhà trên. “Gia đình tôi vẫn ở tại đây từ xưa đến nay. Nếu có mua bán thật thì chả nhẽ họ dễ dàng để chúng tôi ở yên như vậy trong một thời gian dài? Đó là chưa kể căn nhà là nơi thờ tự của tổ tiên từ bao đời nay nên không thể bán được. Việc bà Thanh ra yêu cầu chuộc với giá 2,8 tỷ đồng chẳng khác nào ăn cướp trắng trợn vì thực chất tôi chỉ vay 1,5 tỷ đồng”, anh Huy nói.
Hiện gia đình đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Lam Hồng
công an
|