Chất lượng kiểm toán thấp, quy trách nhiệm cho ai?
Mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) đang đến gần, nếu phải chứng kiến thêm những cú sốc về chất lượng BCTC sau kiểm toán, thì NĐT tìm ai để đòi lại quyền lợi?
Những cú sốc BCTC kiểm toán
Ngày 28/4/2012, cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng Habubank diễn ra. Theo BCTC năm 2011 được kiểm toán bởi Ersnt & Young, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Habubank thời điểm cuối năm 2011 là 4,42%. Không có gì ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán. Thông tin gây sốc thể hiện trong thuyết minh BCTC liên quan đến 2.751 tỷ đồng cho Vinashin vay, thời điểm đó được trích lập dự phòng tổng cộng… hơn 39 tỷ đồng là: “Các khoản vay này được phân loại nợ và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoanh nợ và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin và các đơn vị thành viên của Vinashin đã chuyển sang PVN và Vinalines. Theo đó, Ngân hàng trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của Ngân hàng”.
Vay nợ của Vinashin là câu chuyện không mới, nhưng điều đó không có nghĩa NĐT có thể hiểu Habubank thời điểm đó có khả năng thu hồi được nợ từ Vinashin hay không. Trích lập dự phòng theo khả năng, đó có thể là sự được phép linh hoạt trong mặt hạch toán sổ sách giấy tờ, nhưng bản chất tài sản đã không được nhắc tới. Không một dòng nào trong BCTC kiểm toán có thể vẽ bức tranh thực về khả năng thu hồi khoản cho vay Vinashin, dù con số này là rất lớn so với vốn điều lệ 4.050 tỷ đồng cùng thời điểm của Habubank.
Trước câu chuyện Habubank, thị trường cũng sốc với 2 DN (đã từng) niêm yết khi BCTC kiểm toán không phản ánh chính xác thực trạng tài chính, đó là CTCP Dược phẩm Viễn Đông và CTCP Bông Bạch Tuyết. Gần đây nhất là trường hợp Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; thao túng giá chứng khoán” xảy ra tại CTCK Sacombank (SBS), liên quan đến việc BCTC sau kiểm toán chưa phản ánh chính xác thực trạng tài chính của DN.
Quy trách nhiệm cho ai?
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà nhận xét: “Với trình độ của kiểm toán viên hiện nay, những sai phạm của DN hoàn toàn có thể bóc tách, vấn đề là minh bạch, công bố thông tin đến đâu?”. Vậy lỗi của việc BCTC đã được kiểm toán không chuẩn xác là do có sự cố tình che đậy của DN?
Thực tế, trường hợp Dược phẩm Viễn Đông, câu chuyện vốn tốn rất nhiều giấy mực của báo chí hơn 1 năm trước, đặc biệt là vấn đề quy trách nhiệm cho kiểm toán, nhưng với nguyên nhân cố tình làm giả sổ sách, giấy tờ từ phía DN, kiểm toán đã không bị quy trách nhiệm.
Đối với sai phạm của DN trong trích lập dự phòng khác, nguyên nhân có thể cũng đến từ việc DN cố tình làm trái. Ví dụ, có những khoản cầm chắc khả năng mất vốn, nhưng Ban lãnh đạo DN có cam kết về khả năng thu hồi và không trích lập dự phòng, thì kiểm toán cũng không phải chịu trách nhiệm nếu sau đó DN xảy ra thâm hụt tài chính lớn.
Nguyên phó giám đốc một công ty kiểm toán lớn tại Hà Nội nhận xét: những câu chuyện làm giả sổ sách, giấy tờ của DN, sẽ rất khó để kiểm toán bóc tách ra, vì hoạt động kiểm toán thực hiện trên cơ sở tài liệu DN cung cấp; trích lập dự phòng cũng trên quan điểm theo mức độ thận trọng của lãnh đạo DN.
“Mặc dù vậy, nếu kiểm toán là người chắc tay, có nhiều kinh nghiệm thì những chiêu như vậy cũng khó có thể qua mắt được”, vị này nói và đưa ra ví dụ, CTCK lấy báo giá cổ phiếu OTC cao trong khi cổ phiếu không giao dịch, hoặc giao dịch giá thấp, thì kiểm toán chỉ cần làm động tác tham khảo ngẫu nhiên một số CTCK lớn khác, tự khắc sẽ có con số hợp lý hơn. Hoặc nếu DN làm giả sổ sách, giấy tờ, thì có thể xem xét chi tiết hợp đồng giao dịch, hàng tồn kho, dòng tiền… để bóc tách.
“Đừng nói kiểm toán bị qua mặt, mà vấn đề là họ có đủ tay nghề và làm hết trách nhiệm hay không mà thôi”, cựu lãnh đạo công ty kiểm toán nhấn mạnh.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|