Bộ trưởng Xây dựng: Mong có căn hộ 500 triệu đồng
Giải trình tại Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng qua (24-1), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết tổng giá trị bất động sản (BĐS) tồn kho lên đến 111.963 tỷ đồng.
Người dân Hà Nội chọn mua nhà dự án.
|
Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị, cần có một gói tín dụng để hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo có thể mua được nhà. Đây được xem như một trong những giải pháp để giải cứu thị trường bất động sản, trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ: “Các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu 3% tổng dư nợ của các NHTM nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp”.
Để thực hiện, theo Bộ trưởng Dũng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ dành khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các NHTM nhà nước phục vụ cho vay các đối tượng nói trên.
Tiền đâu trả lãi vay mua nhà
Theo báo cáo của NHNN, đến 30-11-2012, tổng dư nợ đối với đầu tư kinh doanh BĐS là 215 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% số năm 2011 (trong đó Hà Nội và TP HCM chiếm số lượng khá lớn).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng không thể tính được vay nợ mục đích khác, nhưng lại đầu tư vào BĐS.
Cùng đó, thế chấp liên quan đến BĐS cũng chiếm một khối lượng rất lớn. Nợ xấu lớn, hàng tồn kho lớn, cung lệch cầu nhưng nhà cho người thu nhập thấp thiếu, đang tạo nên những bất ổn của thị trường.
Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Hoà (TPHCM), Bộ trưởng Xây dựng nói, hiện nay cầu thực đang rất thấp và có sự lệch pha, không gặp cung. “Bây giờ chủ yếu phải kích cầu hợp lý, nhà nước phải gián tiếp đầu tư một gói cho kích cầu, tức là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp không có tiền vẫn mua được nhà, bằng các khoản vay lãi suất thấp” – ông Dũng nêu giải pháp.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói ông chưa yên tâm đối với các giải pháp được Bộ trưởng nêu, bởi nguyên nhân dẫn đến thị trường bế tắc vẫn chưa được đánh giá đúng.
“Phải chỉ rõ trách nhiệm ai đã làm thị trường BĐS đóng băng, thua lỗ để bây giờ phải vào giải cứu? Các đồng chí đổ lỗi do phân cấp, nhưng ta đã có kinh nghiệm từ chuyện sân golf, người nước ngoài thuê rừng rồi?” – ĐB Minh phân tích.
Theo ĐB Minh, việc sắp tới đây bán nhà thấp hơn giá thành sẽ khó khả thi, bởi khó có thể công khai được giá thành. Chỉ nói riêng đối với chi phí “chạy dự án” mà các DN phải bỏ ra thôi cũng không thể nào thống kê được.
“Hay giải pháp cho vay mua nhà, dù nhà xuống chỉ còn một tỷ đồng, người thu nhập thấp có thể mua được không, lãi vay 100 triệu đồng/năm họ có trả được không?” – ĐB Minh chất vấn.
Bộ trưởng Dũng thừa nhận, giá nhà xã hội khoảng một tỷ đồng/căn cũng rất khó cho dân. Vì vậy, mong muốn giá nhà ở mức khoảng 500 triệu đồng/căn (ở Hà Nội).
Vừa qua, Bình Dương đã làm được căn hộ từ 90 -100 triệu (36 m2 có xép), Đồng Nai khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, Ngân hàng phải có vốn để hỗ trợ người dân mua nhà.
Lợi ích nhóm - có không?
ĐB Lê Nam (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, nợ xấu nhiều do kinh doanh chộp giật, đẩy giá ảo thậm chí có tiêu cực, tham nhũng cấu kết lợi ích nhóm thì làm sao giải cứu được? Theo ông, hàng tồn kho ở phân khúc cao cấp, nhà nước cũng không thể trực tiếp giải quyết được.
“Hãy để thị trường tự điều tiết sẽ có lợi cho dân. Chứ đặt ra giải cứu như thế này, để nhà nước gánh, chỉ làm cho hàng tồn kho thêm phức tạp” – ĐB Nam nói. Một số ĐB cũng cho rằng, hiện nay các DN BĐS vẫn đang có tâm lý ỉ lại, trông chờ sự giải cứu của nhà nước. Hỗ trợ không khéo sẽ lại chỉ làm lợi cho một bộ phận, cho lợi ích nhóm.
Đồng tình phản ánh của ĐB Lê Nam, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, một thời giá bị đẩy lên quá cao, ai đó chỉ cần mua được một căn chung cư, đem ra ngoài bán là đã có tiền chênh. Chỉ khi tín dụng bị thắt chặt, thị trường đóng băng thì mới bị rớt giá.
Tuy nhiên, giải quyết hàng tồn kho phải giải quyết có tính chất liên hoàn, giải quyết cái này thì sẽ giải quyết được cái khác. Để giải quyết một cách nhanh, triệt để cần một nguồn tài chính lớn.
“Chính sách này hoàn toàn vì tháo gỡ khó khăn nền kinh tế, phải tìm ra điểm nghẽn trong đó có BĐS để tháo gỡ. Điểm nghẽn đó là cung - cầu lệch pha, phải cân bằng lại và đây cũng là bảo vệ lợi ích của DN và qua đó người dân cũng được lợi, sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” – Bộ trưởng Dũng nói.
Chấp nhận "nuôi" con nợ
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương bình luận lượng căn hộ tồn kho “chất chồng như núi” có thể đáp ứng cho nhu cầu tới tận năm 2050, tuy nhiên giải pháp đưa ra chỉ như “thuốc đông y”, tác dụng sẽ chậm, trong khi cơ thể đang suy yếu; giải pháp khác có dáng dấp “tây y” như chia nhỏ căn hộ thì cũng ít tác dụng!
“Nhiều DN vẫn không chịu giảm giá căn hộ, phải chăng đang trông chờ vào gói giải cứu của nhà nước” - ông Đương nói.
Lý giải thắc mắc này, Bộ trưởng Xây dựng, cho rằng không thể can thiệp quá sâu bắt DN phải bán với mức giá nào đó. Phải để cho thị trường tự điều chỉnh và giá BĐS hiện nay đang dần trở về với giá trị thực.
ĐBQH cũng cho rằng, việc phá sản DN nợ nần quá hạn và quá yếu kém là việc rất bình thường, nhưng không hiểu vì sao chưa thấy ngân hàng đệ đơn phá sản các DN yếu kém, để giải tỏa, khơi thông thị trường BĐS?
Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình lý giải, theo quy trình phá sản, các Ngân hàng sẽ đệ đơn phá sản DN nợ quá hạn, mất khả năng thanh toán.
“Tuy nhiên, tỷ lệ đưa ra toà án thực hiện thủ tục phá sản thấp, do trình tự nhiêu khê, kéo dài. Vì vậy, một trong những cách làm hiện nay là cố gắng nuôi nợ” - ông Bình cho biết.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng, tổng hợp chưa đầy đủ từ 50 địa phương đến nay nhà ở tồn kho 42.230 căn nhà (26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng); văn phòng cho thuê tồn 92.800 m2 sàn, trung tâm thương mại tồn 98.407 m2, đất nền nhà ở tồn 792,2 ha, đất thương mại tồn 195,1 ha. Ước tính tổng giá trị tồn kho là 111.963 tỷ đồng.
Nguyễn Minh Tuấn
tiền phong
|