Thứ Ba, 18/12/2012 10:58

Vụ hủy hoại tài sản tại đầm ông Đoàn Văn Vươn: Đề nghị truy tố 4 người

Ngoài ra còn có 3 bị can khác bị đề nghị truy tố theo khoản 2 và khoản 3 điều 143 Bộ Luật Hình sự, mức hình phạt từ 2-7 năm và từ 7- 15 năm.

Sau 10 tháng tập trung làm rõ vụ hủy hoại tài sản tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng), Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; Phạm Xuân Hoa, nguyên trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Phạm Đăng Hoan, nguyên bí thư xã Vinh Quang và Lê Thanh Liêm, nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang, cùng về tội “Hủy hoại tài sản”.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý trước khi bị phá

“Vướng vật cản gì thì cứ phá!”

Theo kết luận điều tra, thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn đối với ông Đoàn Văn Vươn trên diện tích 19,3 ha tại khu đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang, theo kế hoạch đã định, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 5-1, lực lượng cưỡng chế tập trung tại hội trường Nhà Văn hóa xã Vinh Quang.

Ban chỉ đạo cưỡng chế công bố quyết định cưỡng chế và ông Khanh phát lệnh cưỡng chế khu vực đầm của ông Vươn. 30 phút sau, khi lực lượng cưỡng chế đến khu vực hiện trường, ông Vươn cùng một số người thân trong gia đình đã sử dụng vũ khí chống lại, gây thương tích cho một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội.

Đến 14 giờ cùng ngày, ông Khanh ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế tiếp tục công việc. Tại hiện trường, ông Khanh ra lệnh, ông Hoa đôn đốc tổ tháo dỡ dùng các phương tiện thô sơ đập tường làm sập nhà, đốt lều ở giữa đầm của ông Vươn trên khu vực 19,3 ha.

15 giờ 30 phút cùng ngày, ông Khanh giao tổ kê biên kiểm kê tài sản trong ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) tại khu vực 21 ha (chưa có quyết định cưỡng chế) rồi mang tài sản về UBND xã bảo quản. Tiếp đó, ông Khanh ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế dùng dụng cụ tháo dỡ nhà 2 tầng của ông Quý, sau đó nói ông Hoan điện thoại cho Vũ Văn Kết (SN 1972, ở xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng) nhờ thuê máy xúc phục vụ việc cưỡng chế.

Sáng hôm sau, khi được Kết điện thoại thông báo máy xúc đã đến, 2 ông Hoan, Liêm lập tức đến hiện trường chỉ đạo ông Đặng Văn Tài - người lái máy xúc - đưa máy vào phá ngôi nhà 2 tầng. Ông Hoan còn nói: “Vướng vật cản gì thì cứ phá!”.

Ngày 8-2, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại tài sản. Quá trình trưng cầu, định giá tài sản, sau khi trừ khấu hao, giá trị còn lại của các tài sản bị hủy hoại gồm căn nhà 2 tầng, các công trình phụ liền kề, nhà trông đầm, 2 chuồng nuôi dê gần 300 triệu đồng.

Ngày 22-10, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố đối với 4 bị can nói trên.

Bị tạm giam vì không khai báo thành khẩn?

Trong 4 bị can, chỉ duy nhất ông Khanh bị bắt tạm giam, 3 bị can còn lại được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo Công an TP Hải Phòng, việc ông Khanh bị tạm giam là do khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội.

Theo đó, ông Khanh đã không thừa nhận việc ra lệnh, chỉ đạo cho lực lượng cưỡng chế và không giao cho UBND xã Vinh Quang phá dỡ lều, nhà trông đầm của anh em ông Vươn, Quý.

Trong khi đó, ông Khanh khai thực hiện việc hủy hoại tài sản là theo lệnh của bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện. Cụ thể, ngày 28-11-2011, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, chủ trì họp công bố quyết định thành lập ban chỉ đạo cưỡng chế, trong đó ông Khanh làm trưởng ban chỉ đạo nhưng ông Khanh lại vắng mặt.

Sau cuộc họp này, ông Hiền nói lại với ông Khanh là ban chỉ đạo không phải lập kế hoạch cưỡng chế mà ra thông báo về việc phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo và lực lượng tham gia cưỡng chế thu hồi đầm. Lúc 14 giờ ngày 5-1, ông Bùi Thế Nghĩa (bí thư huyện ủy) và ông Hiền hội ý với nhau tại nhà Tổng đội Thanh niên xung phong và gọi ông Khanh đến.

Ông Nghĩa nói với ông Khanh: “Nhân đà này ta phá luôn cái nhà 2 tầng đấy đi và thu nốt cả 21 ha bàn giao cho xã luôn”. Còn ông Hiền nói: “Phá bay đi”. Ông Nghĩa nói tiếp và xua tay 3 lần “keng đi, keng đi, keng đi”. Khi ông Nghĩa, ông Hiền nói có nhiều cán bộ huyện đứng ở gần đó nghe thấy.

Sau khi ông Nghĩa về, ông Khanh đã nói với ông Hiền không phá dỡ ngôi nhà ông Quý vì không nằm trong khu vực cưỡng chế, nếu ra lệnh phá dỡ thì phải có quyết định bằng văn bản. Tuy nhiên, ông Khanh đã bị mắng “quá máy móc”…

Trái ngược với lời khai của ông Khanh, ông Nghĩa và ông Hiền phủ nhận không có việc này. Những người có mặt tại cuộc hội ý cũng không thừa nhận nghe thấy ông Nghĩa, ông Hiền chỉ đạo phá nhà 2 tầng.

Trọng Đức

Người Lao Động

Các tin tức khác

>   Vụ ly hôn... 2.000 tỉ đồng (18/12/2012)

>   Nhật Bản: Sáu năm, bảy lần thay thủ tướng (17/12/2012)

>   Bóc trần các chiêu 'kinh điển' bán hàng đa cấp (17/12/2012)

>   Điều tra xã hội 5 sở “nhạy cảm” (17/12/2012)

>   Thanh tra ngay chuyện 'chạy' công chức 100 triệu (17/12/2012)

>   Trung Quốc trình tài liệu về biển lên Liên hợp quốc (17/12/2012)

>   Không chỉ “chạy” mà còn “đấu thầu” (16/12/2012)

>   Phát biểu về thủy điện như thế là vô trách nhiệm! (16/12/2012)

>   TP.HCM: Xông vào tận nhà chặt tay cướp điện thoại (16/12/2012)

>   Chủ tịch nước: Coi chừng 'chạy' phiếu tín nhiệm (16/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật